Đất lành chim đậu
Trong số 143 ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, chùa Hang (TT.Châu Thành, H.Châu Thành) có tên gợi sự tò mò nhất. Đó là do cổng phụ phía tây xây dạng tam quan mái vòm, 3 lối đi hợp thành như một trái núi; tường rất dày, dài 8 m, cảm giác đi vào thâm u, bí ẩn như một cái hang.
Đi qua chiếc cổng độc đáo này, khuôn viên chùa rộng hơn 7 ha hiện ra xanh mát không khác gì vườn sinh quyển, với nhiều loại cây chen nhau mọc thẳng như sao, dầu, tre, trúc… Nhiều cây đã thuộc hàng cổ thụ trăm năm, thân to một người ôm không xuể. Trên những tán lá, các loài chim cò làm tổ dày đặc. Chúng dạn dĩ bay lượn khắp nơi, cất tiếng ríu rít gọi bầy khuấy động cả chốn thiền môn.
Hòa thượng Thạch Xuông (66 tuổi), trụ trì đời thứ 23 chùa Hang, cho biết chùa được thành lập năm 1637. Thuở trước, nơi này có rất nhiều dơi. Ban ngày, chúng treo mình lủng lẳng trên cây, chạng vạng thì bay rợp trời đi tìm thức ăn. Nhưng rồi chốn bình yên nơi đất Phật không còn nữa vào Tết Mậu Thân 1968. Máy bay ném bom, dội pháo vào khuôn viên chùa, hủy hoại kiến trúc và gãy đổ nhiều cây xanh. Từ đó, đàn dơi lần lượt bỏ đi, lâu lắm không thấy quay về.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977, các sư thầy chung sức phục dựng lại chùa và trồng cây gây rừng. Khoảng 3 năm sau, một ít chim cò bắt đầu trở về xây tổ. "Khi chim chóc quần tụ về chùa, các sư và bà con trong phum sóc cho đó là điềm lành nên chung tay bảo tồn, tạo điều kiện tốt nhất để chúng sinh sản, phát triển", hòa thượng Thạch Xuông nói.
Ngày nay, hàng ngàn cá thể chim cò cùng nhau nương nhờ nơi cửa Phật. Nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ, diệc và thậm chí một số loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ, như chim cổ rắn, cũng thỉnh thoảng bay về. Nhiều năm sống gần gũi với con người nên chúng càng dạn dĩ. Mỗi ngày, các sư thầy hành lễ thì chúng cũng như tham dự vào buổi cầu kinh, niệm Phật.
Xung quanh chùa ngày càng ít dần cá tôm do người dân làm ruộng dùng thuốc hóa học. Đàn chim thiếu thức ăn nên khoảng tháng 11 là di cư, giữa tháng 3 mới quay về. "Mỗi lần đi xa về là bầy chim bị hao hụt rất nhiều. Tiếc lắm nhưng cũng không biết làm sao. Nhà chùa cũng đang cố sức vận động kiếm nguồn cá, tôm đổ vào những ao hồ trong và ngoài khuôn viên chùa tạo nguồn thức ăn tự nhiên để chúng không phải bay đi nơi khác nữa", hòa thượng Thạch Xuông chia sẻ.
Xưởng điêu khắc hội tụ những nghệ nhân tài hoa
Chùa Hang nổi tiếng gần xa bởi có nhiều sư thầy tài hoa trong nghề điêu khắc gỗ. Khuôn viên chùa có hẳn phòng trưng bày những tác phẩm điêu khắc độc đáo như chim muông, động vật, người nông dân. Ấn tượng hơn cả là tác phẩm Cửu Long, với kích thước "khủng", được ghép từ 9 gốc cổ thụ, do 6 nghệ nhân làm ròng rã 6 năm mới hoàn thiện.
Theo hòa thượng Thạch Xuông, trong một chuyến đi thăm chùa ở H.Cầu Kè (Trà Vinh), ông vô cùng ấn tượng với một nghệ nhân đã biến những gốc cây thành bàn ghế, giường tủ có giá trị. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng tận dụng các gốc cổ thụ từng bị bom đạn tàn phá và chết đã lâu để làm đồ mỹ nghệ. Năm 2002, xưởng điêu khắc được thành lập, chùa mời nghệ nhân Thạch Buôl đến chế tác và giảng dạy.
Rất nhiều chim cò kéo về nương nhờ nơi cửa Phật
Ban đầu chỉ có 4 sư theo học. Dần dần, nhiều sư và thanh niên đồng bào Khmer xung quanh cũng đến học. Đến nay, gần 100 người đã thạo nghề điêu khắc gỗ, trong đó có khoảng 30 nhà sư. Hơn 1.000 tác phẩm đã ra đời, tiếng tăm chùa vang xa khắp miền Tây. Nhờ đó, nhà chùa có thêm điều kiện để tu sửa những công trình xuống cấp.
Dấu ấn điêu khắc của các sư thầy ở chùa Hang là giữ nét tự nhiên bộ rễ cây, không ngâm hóa chất hoặc luộc chín. Các nghệ nhân nương theo hình thù tự nhiên của cây, làm theo cảm xúc thăng hoa. Có tác phẩm nhỏ gọn nhưng cũng có loại đồ sộ dài hàng chục mét, nặng vài tấn đặt tại các đền đài, khách sạn lớn, phần lớn đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.
Khoảng 10 năm trước, chùa Hang trồng thêm khoảng 1.000 cây dầu. Hiện những chỗ nào còn đất trống, các sư thầy đều tranh thủ dặm thêm cây con vào để tiếp tục làm "nhà" cho chim cò ở và để giữ nghề điêu khắc. "Hết lòng bảo vệ chim chóc và rộng mở đón người ngoài theo học nghề, ngôi chùa thật giàu lòng từ bi, hỉ xả với vạn vật chúng sanh", anh Cao Văn Thịnh, 35 tuổi, du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ cảm nhận.
Theo Thanh niên