Từ đồi núi, cao nguyên đến đồng bằng
Giữa đồi trà xanh mát, kênh Thảo Nguyên Farmer của Hoài Thương dẫn dắt người xem đi hái trà, chỉ dẫn cách ướp trà với sen, cách sao trà... Cô đưa mọi người đến những cánh rừng, tìm những loại cây, trái độc đáo mà ở miền xuôi hiếm khi thấy. Thảo Nguyên giới thiệu về cách ăn tết Đoan Ngọ của người Tày, lễ mừng cơm mới, rồi cùng anh trai hát then, đàn tính... Cô đã có hơn 400.000 người theo dõi trên TikTok, gần 34.000 người theo dõi trên YouTube, 189.000 người theo dõi trên Facebook.
|
Kênh Tô Thi Thi Miền Tây giới thiệu những nét đặc trưng trong văn hóa, sinh hoạt của người dân miền Tây Nam Bộ |
Bếp quê choa tái hiện lại nếp sống xưa ở một vùng quê yên bình của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài nấu ăn, ra đồng, trồng rau, kênh còn mang đến nhiều trò chơi dân gian thú vị như: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, cảnh sinh hoạt của trẻ thơ...
Về với Tây Nguyên là cuộc sống trên những vườn cà phê, tiêu, sầu riêng bạt ngàn; những vườn bơ trĩu quả; những thôn xóm bình yên trên cao nguyên lộng gió… Các kênh được chú ý là An Đen, Hana Ban Mê, Trang ở Đắk Lắk với những màu sắc riêng biệt. Nếu như An Đen tạo ấn tượng bởi giọng nói đầy nội lực, những câu từ thơ mộng thì Hana Ban Mê lại là kênh mang đến cảm giác ngọt ngào, dễ chịu. Còn Trang ở Đắk Lắk cuốn hút với cách kể chuyện nhí nhảnh, trẻ trung.
Xuôi về miền Nam, kênh Út về vườn là khung cảnh đơn sơ, mộc mạc của gian bếp với hàng loạt món ăn; chiếc máy may cũ của bà, của mẹ vẫn còn hoạt động… Chủ nhân của kênh cũng mang đến những trải nghiệm thú vị như: đi chợ cá ở làng chài ven biển, lên rừng tìm măng, ra suối hái lá tre làm bánh ăn tết Đoan Ngọ… Tô Thi Thi Miền Tây giới thiệu nét đặc trưng trong sinh hoạt của người dân miền Tây Nam Bộ, những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, những trải nghiệm về vườn thú vị như: bắt cá, mò cua…
Video làm vườn, nấu cơm cho bà ở kênh Bếp quê choa:
Hàng loạt kênh về con người, văn hóa địa phương còn có thể kể như Quách Ái miền tây, Gian nhà nhỏ, Khói bếp và gió, Bếp bên sườn đồi, Khói lam chiều…
Điểm hấp dẫn của các nội dung này là sự bình dị, chân chất, hướng đến những trải nghiệm độc đáo ít có ở thành thị hoặc những nét văn hóa, trò chơi… đang dần biến mất, mang lại những cảm xúc mới lạ cho người xem. Các video ngắn gọn, súc tích; hình ảnh được đầu tư chỉn chu; ngôn ngữ đặc trưng, không hòa lẫn...
Hạnh phúc khi được kiếm tiền trên quê hương
Các kênh này thường ra đời trong 2 hoàn cảnh. Thứ nhất, thời điểm dịch bệnh, chủ nhân các kênh tìm công cụ giải trí, sau đó đăng video lên mạng và được đón nhận, cổ xúy. Thứ hai, xu hướng bỏ phố về vườn đã tạo ra những nhà sáng tạo nội dung riêng.
Mỗi cá nhân ở mỗi vùng đất đều có những nét riêng mà đôi khi không cần học hỏi, rèn luyện; hoặc họ được truyền thụ lại từ cha mẹ, ông bà, người thân để làm giàu vốn nội dung cho mình. Tuy nhiên, sự khởi đầu nào cũng không dễ dàng.
Là bộ đội xuất ngũ, từng có thời gian lao động chân tay nên Lê Xuân Chiến (chủ kênh Bếp quê choa) nói anh cũng khá lúng túng khi bắt đầu vì không rành kỹ thuật quay, dựng… “Nhờ sự hỗ trợ của một người em, tôi dần biết các kỹ thuật, tự xây dựng kịch bản và định hướng phát triển cho kênh. Tháng 2/2023 kênh ra mắt, sau 2 tháng kênh bắt đầu hoạt động ổn định” - anh nói.
|
Kênh Bếp quê choa của Lê Xuân Chiến gợi ký ức về làng quê xưa |
Thời gian đầu, Hoài Thương (chủ nhân kênh Thảo Nguyên Farmer) đối diện rất nhiều khó khăn khi về quê ở Hà Giang. Bên cạnh các kỹ thuật quay dựng, cô phải cải tạo lại mảnh vườn tạp, tự tay dọn cỏ dại, dây leo, dẫn nước từ các khe đá về vườn vào mùa khô... Với phương châm sai đâu sửa đó, Hoài Thương tìm đọc nhiều tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, người thân. Sau đó, cô mới tìm ra hướng phát triển gắn với hình ảnh cây trà quê hương. Vốn thích những nét đẹp văn hóa quê hương nên Hoài Thương cũng tích cực chia sẻ đến mọi người từ nghệ thuật dân gian truyền thống đến ẩm thực, sinh hoạt đời thường.
Lê Xuân Chiến cho biết, khi kênh bắt đầu được chú ý, anh nhận được nhiều sự động viên từ mọi người. Hàng xóm chia sẻ những ký ức, câu chuyện, món ăn địa phương… hỗ trợ để anh sản xuất nội dung. Nhiều người xem yêu mến cũng có những đóng góp tích cực để anh xây dựng kênh. “Tôi tự hào khi được giới thiệu những nét đẹp quê hương đến mọi người, nhưng chắc chắn sẽ không “ngủ quên” trên thành quả hiện tại. Văn hóa, con người quê hương là đề tài vô tận, quan trọng là có nhớ để khai thác được hay không mà thôi” - anh chia sẻ.
Ngoài được mọi người biết đến, nhận được nhiều tình yêu thương, sự ủng hộ cũng là bàn đạp để các chủ kênh phát triển công việc kinh doanh. Phần lớn đều chọn bán những sản phẩm đặc trưng của quê hương như: trà, cà phê, dừa sáp, sản phẩm từ nghề rèn, cốm… Một số người còn tham gia các chiến dịch quảng bá đặc sản quê hương, hoặc giúp bà con nông dân livestream bán nông sản nhờ sức ảnh hưởng của mình.
Từ nhu cầu thực tế, Xuân Chiến đã phát triển dịch vụ trải nghiệm, nhưng mỗi tuần chỉ đón 1 đoàn khách, tối đa 8 người. “Thật hạnh phúc khi được kiếm tiền trên chính quê hương, từ những điều mà tôi rất yêu thương, tự hào” - anh tâm sự.
Theo phụ nữ TPHCM