Omaha nơi tôi đang sinh sống là một thành phố lớn nhất thuộc tiểu bang Nebraska (Hoa Kỳ). Thành phố này tập trung rất đông người Việt sinh sống định cư. Vì thế, mỗi dịp nghỉ lễ chúng tôi thường rủ nhau dạo chơi đây đó, cùng nhắc lại những kỷ niệm nơi quê xưa mà lòng nhớ nhung bâng khuâng khó tả. Ở thành phố hoa lệ này cũng có một cửa hàng chuyên bán những đồ mang đậm chất quê hương, lại do một người Việt tự đứng ra mở để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con Việt xa quê. Những mặt hàng may mặc như áo dài, áo bà ba; chiếc nón lá thi thoảng cũng được cửa hàng này trưng ra bán. Lạ thay, chiếc nón làm bằng lá cọ quê hương giờ đây lại đang được thiếu nữ Việt sử dụng ngay nơi thành phố này.
Tác giả với chiếc nón lá duyên dáng quê hương. (ảnh: Trúc Lê)
Một lần nọ, cùng gia đình đi xem chương trình biểu diễn do cộng đồng người Việt tổ chức, nhìn thấy tốp múa chao nghiêng vành nón lá trong bài hát “Thương quá Việt Nam” với sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, trong tôi trào dâng niềm xúc động. Thì ra chiếc nón được xem là “quốc hồn quốc tuý”, là hình tượng của người phụ nữ Việt vẫn hiện hữu, được sử dụng nơi xứ người và được công chúng Mỹ đón nhận nhiệt tình. Có lẽ bởi khi đội chiếc nón lá trên đầu, người phụ nữ càng thêm duyên dáng, nụ cười càng rạng rỡ, tươi xinh.
Trong nghệ thuật, tiết mục múa nón của các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện nét dịu dàng, mềm mại kín đáo của người phụ nữ Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện và đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Đối với người Việt, chiếc nón này dùng để che nắng, che mưa gắn liền với hình ảnh người nông dân ra đồng, thậm chí làm quạt khi nóng, đôi khi có thể múc nước rửa mặt. Ngày nay nón lá cũng được xem làm quà cho du khách năm châu khi đến tham quan Việt Nam, một món quà hết sức mộc mạc, giản dị mang đậm bản sắc dân tộc.
Với riêng tôi, chiếc nón lá ấy có giá trị thiêng liêng bởi nó gắn liền với những năm tháng tuổi thơ ở quê hương. Hẳn là ở mỗi thiếu nữ đều có cái duyên để làm say đắm người khác. Nhưng tựu trung, nhan sắc của các “nàng thơ” cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng: “Nón nầy che nắng che mưa/ Nón nầy để đội cho vừa đôi ta”.
Em bé làm duyên trong vành nón lá. (ảnh: Trúc Lê)
Các con tôi chưa hiểu hết những điều thiêng liêng ẩn chứa trong chiếc nón quê nên mỗi lần nhìn thấy nón lá là chúng bật cười. Bởi, phần lớn người dân ở thành phố này chỉ dùng nón vải đội đầu, ít khi có người con gái nào đội chiếc nón lá quê hương đi trên đường phố. Tôi nhắc con tôi rằng, nón lá từ lâu đã gắn bó với đời sống của người dân quê hương, cùng với con người giăng nắng ra đồng. Chiếc nón tuy dung dị nhưng mang nặng tình quê, là biểu trưng của người Việt Nam cho dù đang sống trên đất khách.
Theo Dân Việt