Bánh chưng gói bằng lá chuối, làm điệu với nơ đỏ
Quanh năm suốt tháng xa nhà, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến là bao nhiêu thương nhớ gom góp ở đâu bỗng ùa về, quay quắt.
Hồi ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ phải gói bánh chưng cả. Thế nên việc gói bánh chưng đối với tôi luôn là một "thánh đường" mà tôi không nghĩ mình không bao giờ chạm tới được. Mỗi dịp Tết, tôi chỉ mon men rửa lá dong, rồi chờ nồi bánh của bà ngoại xôi lục bục để vớt những chiếc bánh bé tí teo bà gói riêng cho lũ trẻ con chúng tôi ăn trước. Háo hức vô cùng.
Những cái Tết xa nhà, tôi ở một thành phố nhỏ của Philippines, cộng đồng người Việt rất thưa thớt. Muốn đặt mua bánh chưng cũng không có ai bán. Mà đã Tết thì làm sao thiếu bánh chưng? Tôi lọ mọ lên YouTube để mon men tìm hiểu "thánh đường" gói bánh chưng cao siêu kia.
Thì ra việc gói bánh chưng vốn rất cầu kỳ phức tạp và đòi hỏi nguyên liệu bất di bất dịch như lá dong, lạt tre, khuôn gỗ... lại được các "cao thủ" xa quê biến tấu một cách đơn giản không ngờ.
Lá dong được thay bằng lá chuối. Lạt tước bằng tre được thay bằng dây gai. Khuôn gỗ không có thì đã có hộp carton cắt ra dán băng dính lại cũng vuông vắn như ai. Gạo nếp, thịt heo, đậu xanh thì ở đâu cũng mua được.
Duy có một khó khăn nho nhỏ là ở chỗ tôi không tìm đâu ra đậu xanh cà vỏ. Cực chẳng đã, tôi đành mua đậu xanh nguyên hạt về ngâm nước ấm. Ngâm xong rồi lũ bạn thân chat qua mạng mới cười ha hả là phải ghè vỡ ra trước rồi ngâm và đãi mới dễ tróc vỏ được. Chỉ bỏ mất một công đoạn thôi mà tốn bao nhiêu công sức mới lột được đám vỏ cứng đầu!
Lá chuối hơ qua lửa nóng cho mềm. Gạo ngâm qua đêm, để ráo nước, xóc với chút muối. Thịt ba rọi tươi rói, nạc mỡ xen kẽ vừa vặn, ướp chút bột nêm Maggie và tiêu vỡ. Đậu xanh cà vỏ. Khuôn hộp carton. Dây gai. Và một lòng quyết tâm làm được chiếc bánh chưng đầu đời. Tôi đã sẵn sàng chinh phục "thánh đường" tưởng bất khả xâm phạm của mình.
Tôi gói bánh chưng bằng lá chuối, dùng hộp carton làm khuôn
Tôi bò ra sàn, vừa bày "đồ hàng" ra, vừa bật YouTube xem các cao thủ hướng dẫn. Trăm hay không bằng tay quen, để cắt lá cho chuẩn, xếp lá cho đúng thứ tự, đong gạo nếp, đỗ xanh cho bốn cạnh cân bằng để những kẻ bên trong không "đào tẩu" ra khi luộc, đó là cả một cuộc vật lộn toát mồ hôi hột với một kẻ tay mơ như tôi!
Mãi rồi mấy chiếc bánh tập sự cũng xong, may mà cái sau đẹp hơn cái trước. Tôi xếp chúng vào nồi áp suất, ninh trong bốn giờ, không quên trở bánh và châm thêm nước sau hai giờ đầu tiên rồi ninh tiếp hai giờ nữa. Gì chứ tôi thuộc bài lắm, không có kinh nghiệm nên một lòng một dạ tuân theo chỉ dẫn của người đi trước.
Bánh chín. Mùi bánh chưng, mùi Tết, mùi quê hương thân thuộc quấn quýt khắp căn phòng. Tôi lấy bánh ra, đặt lên bàn và chèn mấy chiếc chảo gang nặng lên trên để ép bánh cho rền.
Sáng hôm sau, công cuộc chinh phục "thánh đường" gói bánh chưng của tôi đến hồi "cung kính" nhất. Đó là "nghi lễ" bóc bánh.
Bánh chưng gói lá chuối, vẫn xanh và ngon không kém bánh gói bằng lá dong
Trời ơi, cảm giác hồi hộp, nôn nao khi bóc từng lớp lá chuối ra không khác gì tâm trạng hẹn hò mối tình đầu! Rồi đến khi lớp bánh chín rền lộ ra, đến lớp đậu xanh bọc quanh những miếng thịt heo mềm mại, óng ánh là lúc trong lòng như lanh lảnh một tiếng chuông ngân - Mình gói được bánh chưng rồi!
Sau nghi thức cúng ông bà, tổ tiên là lúc chúng tôi, gia đình chồng và bạn bè thân thiết ở Philippines, quây quần quanh mâm cơm Tết để đón mừng năm mới.
Mâm cơm Tết của tôi hôm đó có bánh chưng, canh măng sườn, giò xào tự gói, gà luộc, rau xào thập cẩm, chả nướng và dưa chua. Mâm cơm xa xứ với tôi thế là tươm tất lắm rồi.
Vốn rất mê những món Việt Nam tôi hay nấu, nhưng đây là lần đầu tiên được thưởng thức bánh chưng nên ai cũng tò mò, nao nức lắm. Đến khi được nếm những miếng bánh thơm mềm, chứa đựng bao tâm huyết của tôi, mọi người ồ lên: Ôi sao bánh ngon thế! Làm thế nào để ra được một cái bánh kỳ diệu như thế này?
Mâm cỗ Tết Việt của tôi với gia đình ở Philippines
Tôi mỉm cười bí hiểm, người Việt Nam chúng tôi kỳ diệu như thế đấy. "Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa", chúng tôi vẫn luôn hướng về quê nhà, thương nhớ từng gương mặt, từng món ăn... Để rồi "muốn ăn thì lăn vào bếp", rồi dồn hết nhung nhớ vào từng món, từng món mà thổn thức, mà nhớ thương...
Và quan trọng hơn nữa, là để những thế hệ tiếp sau hiểu thế nào là Tết Việt để tìm về nguồn cội.
Theo tuoitre