Theo quốc lộ 3, qua Phủ Thông, vượt đèo Giàng, xe chúng tôi rẽ vào huyện Ba Bể từ ngã ba Nà Phặc. Tại đây có tấm biển gỗ xinh xinh ghi chữ "Pác Ngòi 3km". Nhìn quanh thấy từng tốp khách nước ngoài lái xe máy sau khi quan sát tấm biển gỗ liền chạy mất hút vào con đường xanh rợp xuyên qua rừng rậm. Nhóm chúng tôi cũng tiến vào con đường nằm dưới tán lá dày ken không chút ánh sáng mặt trời nào có thể xuyên qua được, cứ thế đi khoảng mươi phút đã thấy bản Pác Ngòi hiện ra.
Nằm cách thị xã Bắc Kạn 50km và cách Hà Nội 220km, hồ Ba Bể đẹp đến mức khiến nhiều du khách phương Nam phải sững sờ. Ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng tạo thành Ba Bể rộng mênh mông giữa núi đá vôi và thảm rừng xanh biếc. Gần đến khu vực hồ đã thấy một số resort và khách sạn đẹp ở ngay bên đường nhưng khá vắng khách.
Du khách đến thăm hồ dạo này chuộng hình thức nghỉ lại nhà dân địa phương (homestay). Đông khách nhất có lẽ là bản Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu. Bản nằm trên khu đất khá bằng phẳng, phía trước có những cánh đồng ngô trù phú, phía sau là dãy núi đá như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang. Đây cũng là nơi tiện ghé bến thuyền ra Ba Bể.
Phần lớn những ngôi nhà sàn trong bản đều dựa lưng về phía núi và ngoảnh mặt ra hồ, tạo phong cảnh non nước hữu tình miền sơn cước. Hồ Ba Bể xưa kia gần như là mặt nước riêng của người bản Tày. Họ ăn ở, vui chơi sinh hoạt theo những mùa nước hồ.
Dù tham gia làm du lịch từ mười mấy năm trước, Pác Ngòi vẫn là một trong những thôn bản ít ỏi còn lưu giữ được hầu hết phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc Tày. Nhìn từ xa, hơn 70 ngôi nhà cổ theo kiểu kiến trúc nhà sàn địa phương nằm dựa lưng vào vách núi tạo cảm giác yên bình.
Nhà sàn của người Tày được dựng bằng bốn đến bảy hàng cột đỡ tạo thành hai khu vực rõ rệt. Phần bên trên sàn làm nơi tiếp khách, bếp đun và nơi ở, phần dưới gầm sàn là nơi cất giữ nông cụ và chuồng nuôi gia súc gia cầm. Thông thường mái nhà sàn có kết cấu hai mái hoặc bốn mái được làm bằng ngói âm dương hoặc lá rạ, lá cọ.
Đến Ba Bể, không du khách nào muốn bỏ qua tiết mục dạo chơi trên hồ bằng thuyền độc mộc; dư giả thời gian hơn thì theo ngư dân đánh bắt cá. Buổi tối đoàn chúng tôi chọn xem các thiếu nữ Tày dệt vải, hát then đàn tính. Ngày hôm sau, đoàn cùng người dân nơi đây đi tham quan các bản làng dân tộc khác quanh vùng hồ.
Chuyến đi đó chúng tôi còn được thăm động Hua Mạ nằm ở lưng chừng núi quanh năm cây cối xanh tươi. Vào trong, thấy nền động khá bằng phẳng, giữa động có hàng chục cột đá sừng sững vươn cao do tạo hóa tạo nên. Phủ khắp trong động là vô số nhũ đá hình thù xinh đẹp. Khám phá Hua Mạ là hoạt động khá mới ở Ba Bể, và theo lời ông Chuyền – người dẫn đường thì Ba Bể luôn có điều mới mẻ đối với những du khách thích thiên nhiên hoang dã.
Sau những giờ lên núi xuống hồ, ai nấy nhiệt tình thưởng thức bữa ăn ngon đặc sắc của người Tày. Nào là cơm lam, tép chua, thịt chua, xôi ngũ sắc…, mau hết nhất là món cá mương, một loại cá nhỏ sau khi bỏ ruột đem nướng trên than hoa ăn rất thơm và ngọt. Rồi còn những món giàu năng lượng như thịt heo gác bếp, lạp xường gác bếp, tôm hồ Ba Bể nướng, gà hấp lá chanh… khi ăn mà nhâm nhi với rượu men lá của người Tày thì thật hợp vị. Để cân bằng lại bữa ăn còn có các loại rau như bò khai, dớn, ngót rừng… được xào hoặc nấu canh ăn vừa thanh vừa mát.
Theo Báo Du Lịch/Quehuongonline.vn