Dân quê Quảng Ngãi có cái nếp “chuối sau, cau trước”, nhà nào cũng trồng mấy cây cau. Vì thế, chiếc mo cau đã trở nên thân thuộc với tôi từ khi tấm bé.

Ngày ấy, tôi vẫn thường lon ton chạy ra nhặt những chiếc mo cau khô giòn mùi nắng, rồi nhanh nhảu kéo vào cho bà như một chiến lợi phẩm. Từ chiếc mo cau ấy, bà nắn cho thẳng rồi cắt, sửa. Với bàn tay khéo léo của bà, chẳng mấy chốc, chiếc mo cau đã trở thành chiếc quạt xinh xắn. Quạt mo là vật dụng quen thuộc của người quê tôi hồi quạt máy, điều hòa chưa sử dụng rộng rãi; nhất là vào những ngày hè nắng lửa, ngọn gió Lào thiêu rụi cỏ cây. Chiếc quạt mo theo bà vào bếp, chiếc quạt mo theo bà ra hiên và chiếc quạt ấy cũng theo tôi vào từng giấc ngủ tuổi thơ.

Tàu cau thân thuộc trong những trò chơi tuổi thơ - ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Tàu cau thân thuộc trong những trò chơi tuổi thơ - Ảnh: Đoàn Vương Quốc

 

Hồi ấy, bà hay mắc võng ngoài vườn. Những trưa hè oi ả, mặt trời cháy rực chói chang, bà cháu tôi thường ra đó để trốn cái nắng. Dưới những tàn cây, tôi nằm nghe tiếng ve râm ran gọi hè sang, đâu đó có tiếng gà trưa eo óc. Làng quê những trưa hè yên ả làm sao. Tôi nằm trên võng, bàn tay gầy guộc của bà nhẹ nhàng đưa tôi như thuở nằm nôi.

Một tay bà nhịp nhàng phe phẩy chiếc quạt mo rồi cất tiếng ru: “Thằng Bờm…ờm… có cái quạt mo…”. Làn gió mát rượi từ chiếc quạt mo, những giai điệu làng quê hòa vào tiếng ru êm nhẹ của bà từ từ đưa tôi chìm dần vào giấc ngủ. Nụ cười hồn hậu, gương mặt hiền từ của bà dần khuất vào giấc mơ trưa. Trong cơn mơ ấy, tôi thấy mình được làm thằng Bờm, tay cầm chiếc quạt mo thần kỳ khiến phú ông phải tìm đủ mọi cách chiếm đoạt. Tôi lớn lên từ làn gió của chiếc quạt mo và những lời ru của bà. Những ngày thơ bé, êm đềm làm sao…

Những ngày thơ bé, ở quê tôi không có chốn vui chơi dành cho trẻ con. Khu vui chơi của chúng tôi là cánh đồng vừa xong mùa gặt, còn đồ chơi là những thứ cây nhà lá vườn. Chiếc mo cau cũng là thứ đồ chơi mà nhiều thế hệ đã gắn liền với nó, nên mỗi lần nghe câu hát “Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau”, tự nhiên lòng tôi có chút gì xao động, tựa như tiếng hàng cau lao xao khi cơn gió vừa thổi tạt qua. Có những khi, tôi cùng lũ bạn rủ nhau nhặt bẹ cau làm chiếc xe không bánh, rồi mỗi đứa thay phiên nhau hóa thân thành phu xe.

Trên mảnh sân vuông, tiếng cười đùa rộn rã của lũ trẻ con xua đi nỗi quạnh hiu trong buổi chiều quê. Đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ướt đầm cả áo, nhưng gương mặt cứ rạng rỡ nụ cười hồn nhiên. Có mấy khi đang ngồi trên tàu lá cau chơi đùa ngon trớn, tuột tay, có đứa té lăn cù, ngã uỵch ra sân, nhưng cả bọn vẫn cứ nhìn nhau cười tít mắt, chẳng hề quạu. Những ngày thơ bé, ôi vui làm sao…

Ngày tháng tuổi thơ theo thời gian xa ngái. Bà tôi cũng đã trọn vẹn trăm năm. Chiều nay, chiếc mo cau rơi trước sân nhà làm lay động ký ức thuở xưa. Đôi mắt đăm đăm nhìn về phía gốc cau, tâm tư bâng khuâng với những kỷ niệm của một thời thơ dại. Tôi mơ ước bắc được nhịp cầu ngang qua thời gian, để tôi được trở về với những ngày đã lùi vào ký ức…

Theo phụ nữ TPHCM