Canh rau đắng nấu tép rong
Tháng chạp, mưa ngớt, đất ấm dần lên cũng là lúc người dân quê tôi bắt tay trồng tỉa rau củ đủ loại để bán Tết. Mùa này, khí trời mát mẻ, đất tơi xốp nên cây cỏ đua nhau mọc, mà rau đắng là sung sức hơn cả. Ủ hạt trong đất từ mùa trước, chỉ cần chuyển mùa là những mầm xanh bắt đầu lún phún và đôi ba ngày là phủ xanh rờn mặt đất. Đâu đâu cũng thấy rau đắng, từ ven bờ ruộng, trong luống cải đến sau hè. Khi nhổ cỏ, má tôi luôn giữ lại rau đắng, hoặc chờ lớn trọng trọng hái ăn hoặc để già rụng hột cho mùa sau.
Mùa này, nhớ chiều chiều, trong khi người lớn tất bật nhổ cải, hái mướp chuẩn bị để sáng mai mang ra chợ bán thì tôi cắp rổ, xách liềm đi nhổ rau đắng. Rau đắng mọc gần như sát đất, thân thể mỏng manh nên phải dùng liềm cứa sâu một nhát dưới gốc cho đứt rễ rồi mới nhổ lên.
Nhổ rau đắng dễ bắt ghiền, nhổ hết ven bờ ruộng, đi qua luống cải thấy cả đám mọc xanh rờn lại sà xuống. Nhiều hôm mê mẩn, trời chập choạng tối tôi mới chịu ngưng tay vào nhà bắt cơm.
Rau đắng đất ngon nhất phải là nấu cháo cá lóc nhưng đó là khi cuối tuần rảnh rỗi. Riêng nhà tôi cứ đến mùa là bữa cơm nào cũng có món rau đắng nấu canh. Nếu có điều kiện, thời gian chế biến thì nấu với cá lóc, cá rô; không thì cứ với thịt bằm, tôm khô, tép rong là đủ để ngon hít hà. Nhưng má tôi nói, thịt thà cho sang mà không biết cách nấu thì nó đắng chằng đắng chịt.
Nói chung cũng không có gì phức tạp. Rau đắng nhổ vào rửa cho thật sạch cát rồi để vào chỗ kín gió đợi ráo nước (để ngoài gió chỉ thổi một lát là rau héo ăn rất đắng). Thương loài rau mỏng manh, bị lìa khỏi đất rũ xuống nhưng chỉ cần rửa qua nước để độ 15 phút là tươi chong. Bắt nồi lên bếp, đợi nóng cho vào ít dầu ăn, khử tỏi cho thơm, xào tép (hoặc tôm khô, thịt bằm) cho săn lại, cho nước vào nấu sôi, nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
Sau khi chuẩn bị cơm nước xong xuôi, đợi cả nhà ngồi đầy đủ lên mâm má tôi mới đem rau đắng cho vào tô, rắc lên chút hành, tiêu. Nồi nước canh khi nãy lại được bắc lên bếp, khi vừa sôi bùng lên thì chế vào tô sao cho ngập hết rau. Rau đắng tươi chong, gặp nước sôi rũ hết xuống nhưng vẫn còn ranh rờn, giòn rụm.
Canh rau đắng để càng nguội càng đắng nên phải dùng khi còn nóng hôi hổi. Bữa cơm nghèo đôi khi chỉ có rau luộc, dưa muối và tô canh rau đắng nhưng không khí lúc nào cũng rôm rả. Tô canh này lên, những đôi đũa tham ăn của anh chị em tôi đã xúm vào gắp, chan, húp. Má tôi đứng chờ sẵn lại với lấy rổ rau, làm ngay tô khác.
Như tên gọi, rau đắng rất khó ăn với những ai chưa quen nhưng đã “bắt” rồi thì cứ ao ước mãi. Cái vị đắng đó không xộc thẳng vào vị giác mà âm thầm thấm nhẹ cùng với cái giòn tan tươi rói của loài rau sạch; cái ngọt đậm của tôm khô, cá lóc.
Ăn canh rau đắng tôi luôn thích nhất lúc sắp tàn bữa. Khi đó, nước canh đã bớt nóng, vị đắng, ngọt hòa với nhau, đặc biệt dưới đáy tô luôn đầy những tôm khô, cá hay tép rong. Chan ngập nó với cơm, nhấm nháp từng muỗng, nghe vị đắng tan trên đầu lưỡi, nhấm nháp từng con tép nhỏ, nghe mùi tiêu thoang thoảng, ấm nồng, trèn ơi, bình dị nhưng ngon lành làm sao.
Cơm nước xong, chị em tôi mang chén ra sàn nước rửa. Nước lạnh ngắt, gió bấc thổi rào rào trên ngọn dừa, thổi xuyên qua hai chiếc áo mỏng manh làm hai đứa co người xuýt xoa. Phía Đông, trăng rằm lên chói lòa cả cánh đồng, soi bóng lá lao xao trong gió. Trong năm có lẽ không có mùa trăng nào đẹp bằng mùa gió bấc. Gió thổi tạt mây đi để lại bầu trời xanh ngắt, để ánh trăng trong vắt tràn khắp nơi, để chị em tôi cứ ngơ ngẩn ngồi ngắm trăng không nghe tiếng ba trong nhà vọng ra: “Gió lạnh lắm, hai đứa rửa nhanh rồi vô".
Mùa gió bấc, lạnh thì có lạnh nhưng bữa cơm nào của gia đình tôi cũng ấm bởi tô canh rau má nóng hổi và tiếng cười giòn tan của chị em tôi.
Theo Người lao động online