|
|
Phở là món ăn không thể thiếu với người Sài Gòn (Ảnh: Phùng Huy) |
Ngoài là nơi hội tụ của các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền... Sài Gòn còn là nơi hội tụ đủ loại quán ăn và món ăn từ khắp nơi.
Hơn 32 năm sống ở Sài Gòn và do đặc tính nghề nghiệp làm trong ngành nghiên cứu thị trường, đặc biệt là hơn 10 năm làm các dự án liên quan đến tất cả các hàng quán ăn uống có mặt ở thị trường Việt Nam và Phnom Pênh, tôi có dịp biết nhiều quán ăn "thượng vàng hạ cám" ở các quận huyện TPHCM.
Trước hết phải nói đến một món ăn rất đặc trưng Sài Gòn, là bánh mì thịt. Bạn cứ đi nhiều nơi đi, sẽ không thấy nơi đâu bán bánh mì ngon, rẻ, mà đậm đà mỗi xe bánh mì, mỗi gánh bánh mì là một kiểu, một vị khác biệt.
Bánh mì cao cấp có, nhưng cũng không vượt quá 100 ngàn đồng một ổ. Bình dân thì có các xe bánh mì thịt nướng miền Trung giá 15 ngàn đồng. Các xe bánh mì đầu hẻm ở khu Gò Vấp chỉ từ 10 ngàn trở lên. Buổi chiều tối đường Quang Trung gần ngã tư Thống Nhất có Bánh mì Trang đã trên 40 năm, tất cả thịt, chả, jambon, patê... giá 20 ngàn một ổ, ăn từ đêm mà no đến sáng.
|
|
Bánh mì Sài Gòn có trăm ngàn sắc thái hấp dẫn (ảnh: Internet) |
Mỗi quận đều có những xe bánh mì nổi tiếng. Tôi thích ăn ngon, nên chỗ nào giới thiệu bánh mì ngon là ghi chú, tìm dịp chạy qua. Tôi cũng có dịp ăn qua bánh mì Huỳnh Hoa (Q.1) thấy khách mua xếp hàng dài, nhưng nhận ra không phải gu của tôi. Món ăn mà, tùy gu thôi.
Nếu bạn muốn ăn phở, danh sách các quán dài dằng dặc từ các quận. Ở quận 1 tôi từng có dịp ăn phở Minh, 70 ngàn đồng 1 tô; phở Hương Bình; phở Hòa Pasteur (nay tô thấp nhất là 90 ngàn đồng), phở Cao Vân giá 60 ngàn đồng. Quận 3 có phở Phú Gia, phở Anh, phở Bình... Quận 5 có phở Lệ nổi tiếng. Phú Nhuận trước có phở Quyền, nay đi đâu rồi chẳng thấy. Bình Thạnh có phở Trang. Quận Tân Bình khúc Lê Văn Sĩ có phở Phú Vương. Khu gần sân bay thì nhiều quán phở vị Bắc.
Ở quận Gò Vấp của tôi cũng nhiều quán phở. Sống tại đây 20 năm, vậy mà tận hôm rồi tôi mới được dịp thưởng thức một quán phở lề đường gần nhà thờ Thái Bình đường Thống Nhất. Quán bán từ 19 giờ trở đi, nhưng không thường xuyên. Một tô giá 55 ngàn đồng, ăn rồi nhớ mãi, nước ngọt từ thịt, thịt bò nấu chín treo tảng to, thơm phức, hỏi thì mới biết đã bán mấy mươi năm...
Tôi chỉ ở và làm việc khu Q.1, Q.3, Q.5, Q.10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hóc Môn, nên đa phần thưởng thức các quán ăn ở các quận này và quận kề bên. Món mặn ban đêm rất nhiều. Muốn ăn cháo ếch kiểu Singapore thì ghé khu chợ Đa Kao, có quán anh Huy; kề bên có xe chè người Hoa, nấu theo kiểu xưa, nước cốt dừa, chất lượng, sạch sẽ dù ở lề đường. Dưới 100 ngàn cho 1 phần cháo và 1 ly chè đậu các loại, no căng.
Muốn ăn mì xào giòn mà ngại qua Q.11, khách có thể ghé gần cầu Kiệu có quán Nghèo, 50 ngàn đồng 1 phần, chất lượng theo kiểu người Hoa. Muốn ăn xôi gà xá xíu, ghé qua đường Phan Đình Phùng, gần đèn xanh đèn đỏ giao với đường Nguyễn Trọng Tuyển, chỉ 20 ngàn đồng mà đủ pate, xá xíu, gà xé, da gà chiên giòn. Ngon ngất ngây, và... no cành hông.
Ăn xong, bạn có thể chạy thẳng qua ngã tư Nguyễn Kiệm, từ 19 giờ trở đi sẽ có quán chè đèn dầu của Dì Sáu, có chè chuối nấu kiểu xưa, chè đậu xanh bột báng để trên bếp than nóng hổi, chè đậu trắng, chè trôi nước, táo xọn...10 ngàn mỗi chén mà ăn bao ngon.
Muốn ăn ly chè đá Huế có đủ loại đậu béo ngọt bùi chỉ 10 ngàn đồng thì mời bạn ghé đến sau lưng nhà thờ Hạnh Thông Tây, có 1 xe chè bán trên 20 năm từ 2 giờ chiều trở đi. Ăn một lần bạn sẽ quay lại vài chục lần...
Khi có dịp làm việc ở Q.2, tôi được biết quán hột vịt lộn Kim Thảo, trứng ngon, muối tiêu ngon, giá đắt so với gốc, nhưng khách xếp hàng nườm nượp... Quán chỉ bán trứng và nước mía thôi, vậy mà người chủ... đủ giàu.
|
|
Một đĩa cơm tấm thường có sườn bì chả, trứng (ảnh minh họa) |
Nói đến đây thì phải kể đến xe gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám (Q.1). Quán lề đường, nhưng cha mẹ nuôi con đi học nước ngoài. Khu vực gần chợ Tân Định có nhiều món ngon như cháo sườn, cháo lòng, súp cua bắc thảo... ngon nhưng đắt, khu nhà giàu mà! Rảnh thì bạn thử chạy một lèo qua quận 5 ghé khu Hà Tôn Quyền ăn các loại sủi cảo, mì...
Có một thứ phổ biến ở Sài Gòn là cơm tấm. Món này cũng nhiều nhưng chiếm nhiều diện tích hơn xe bánh mì, nên số lượng ít hơn.
Cách đây hơn 25 năm có cơm tấm Mai ở Đinh Tiên Hoàng. Tôi ăn cơm tấm mà thích món tôm càng rim ở đây, bao năm ăn món này vẫn chưa thấy chỗ nào làm ngon hơn. Giờ thì không biết tiệm đã dời đi đâu. Còn ở Gò Vấp thì ghé cơm tấm Tài, dưới 40 ngàn đồng một phần thịt đầy đặn, nước mắm đậm đà.
Thật ra thì còn hơn 100 quán ăn và các món tôi chưa kể hết. Ngẫm ra, nếu bạn ở Sài Gòn thì dù dư dả hay chỉ có chút tiền từ lao động, bạn cũng không cần bận tâm nấu nướng, vì đã có "hợp chủng quốc" các loại quán ăn phục vụ bạn, tùy theo túi tiền bạn. Quán nào thì khách đó.
Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cần để ý: Quán nào do người phụ nữ hoặc đàn ông trung niên phụ trách thì quán đó được nấu bằng cả tấm lòng của người đầu bếp. Bạn an tâm sẽ được ăn vừa ngon, vừa rẻ, vừa ấm áp... điều bạn luôn thấy ở các quán ăn giữa Sài Gòn thân thương này.
Theo phụ nữ TPHCM