leftcenterrightdel
 Sài Gòn cưu mang muôn phận người (Ảnh: Phùng Huy)

Sáng cuối tuần, đi sâu vào hẻm chợ, tìm mua mớ lá về nấu nồi nước xông, tôi tưởng mình lạc vào mê hồn trận với cơ man nào là cây lá quê nhà: lá dứa, lá giang, lá cẩm, sương sâm, bồ kết, lá bưởi, hương nhu, mần trầu, cỏ tranh…

Tôi lướt nhìn qua những khuôn mặt đàn bà. Tóc khô rối, lơ thơ, họ túm vội vàng thành một mớ sau ót, áo ngoài áo trong nhàu nhĩ. Đôi bàn tay cứng còng với những cái khóe nứt nẻ trở qua trở lại mớ hàng bày trên cái sập gỗ rêu mốc xiêu vẹo cũ kỹ... Tôi ngỡ như mình đang đi lạc ở cái chợ quê nào đó chứ không phải phố thị Sài Gòn.

Sài Gòn thật lạ. Dẫu bạn sinh ra lớn lên ở đây, hay đến từ nơi khác, tôi tin chắc rằng bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi mỗi ngày, mỗi dịp, mỗi nơi, thành phố này sẽ cho bạn thấy một khuôn mặt luôn luôn thay đổi. Mỗi lần như vậy, giống bây giờ, ý nghĩ lại dẫn tôi đến khuôn mặt của một người đàn bà. Người đàn bà qua nhiều trải nghiệm, chưa già nhưng đã xa thanh xuân một quãng... hơi lâu rồi.

Đó là người đàn bà với phong cách chuyên nghiệp đanh thép trong phòng họp, xao xác ngồi nơi góc chợ, nhưng cũng có thể váy áo lộng lẫy ở buổi tiệc đêm. Đó là người đàn bà son phấn tóc tai sóng sánh, nhưng cũng có thể xắn tay áo lau nhà rửa chén, tưới cây, nấu cơm giặt giũ, sơn lại cả những mảng tường vôi loang lổ.

Đó là người đàn bà ngọt ngào dịu dàng, chực khóc khi thấy con gián, con sâu, nhưng sáng sáng trưa trưa có thể đèo 2 con từ nhà đến trường đi về vài lượt, trong cái nắng gay gắt hầm hập trên đầu.

Có một Sài Gòn với những quầy kệ sáng trưng trong các tòa nhà cao vút, ngỡ như rút cây son trong túi xách ra, nhìn trước mặt hoặc cúi xuống chân là có thể tô lại đôi môi cho tươi tắn.

Có một Sài Gòn với những chiếc áo đầm, đôi giày, bữa ăn, khiến ta phải tần ngần nén tiếng xuýt xoa, đứng nhẩm tính hồi lâu xem đồng lương của một người lao động bình thường thì phải mất bao nhiêu ngày. Nhưng cũng có một Sài Gòn, ở đây, ngay giữa lòng thành phố mà chân chất, lam lũ, sống động quê mùa đến ngỡ ngàng.

leftcenterrightdel
 Có những người đàn bà lam lũ đến thương... (ảnh: Phùng Huy)

Lại nhớ, ngày nào cũng 2 lần, đi làm rồi về, tôi đều qua một vựa ve chai. Đúng hơn đó là một căn nhà phố hơi rộng trong đường nội bộ, mật độ xe qua lại không quá đông.

Vào xế chiều, tôi hay cố tình cho xe đi thong thả. Có khi là để kịp nghe mấy tiếng bi bô của trẻ con ở ngôi trường mầm non bên góc ngã ba, chộn rộn chuẩn bị gặp mẹ, gặp bà, gặp ông... Có khi là vì tôi nhường đường cho những chiếc xe đẩy cao ngất, ì ạch như một chú rùa khổng lồ, dõi mãi mới tìm thấy bóng người nhỏ xíu, quần áo nón khăn khẩu trang kín mít đằng sau. Thường đó là chiếc xe của một người đàn bà, cũng có khi là một người đàn ông, nhưng hiếm.

Tôi nhớ mình đã gần như cho xe đứng yên để nhìn thật lâu bóng lưng đổ rạp xuống cái càng xe của một cụ bà không dưới 70 tuổi, gầy sọp tong teo. Tuổi đó người ta đã nghỉ ngơi. Tuổi đó sức lực như cái đèn cạn dầu trước gió…. Chợt nhớ đến những cơn mỏi chân, đau đầu trong những ngày nhiều việc, hay những tối ngồi thừ trước mâm cơm đầy đủ thịt cá, ngán ngẩm không thiết tha gì ăn uống của mình, tự nhiên tôi thấy hổ thẹn.

Ngay lúc ấy, tôi hiểu, bàn chân và tầm mắt của con người nhất định phải có cơ hội, tạo cơ hội để nhìn ra khỏi vấn đề của mình, cuộc đời, mái nhà của mình. Sài Gòn không chỉ cho bạn những ước mơ lộng lẫy tựa pháo hoa trên nền trời, như con diều no gió bay cao, bay xa. Chính giữa lòng đô thị, Sài Gòn cho bạn biết còn có khoảng trời đêm phía dưới ánh sáng lung linh của pháo hoa.

Và bạn, mất bao lâu để thấu hiểu một Sài Gòn nhiều thăng trầm? Bạn sẽ khi nào thôi yêu một Sài Gòn như yêu một người đàn bà đầy hấp dẫn?

Theo phụ nữ TPHCM