Bản Tả Van có hơn 150 hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Giáy nên vẫn thường được gọi là Tả Van Giáy
Bản Tả Van nằm ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Sa Pa khoảng 12km. Nằm ở thung lũng Mường Hoa đẹp như tranh vẽ, dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, bản Tả Van cuốn hút du khách ngay từ những khung cảnh thiên nhiên đầu tiên trên đường đến với bản. Đó không chỉ là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp, là những dãy núi cao trùng điệp gối lên nhau, là con đường mảnh như sợi chỉ vắt qua sườn đồi phủ xanh bởi mạ và lúa non. Mà giờ đây, Tà Van sầm uất bởi những dãy “phố” tiện nghi nằm trong lòng bản.
Bản Tả Van có hơn 150 hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Giáy nên vẫn thường được gọi là Tả Van Giáy. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề ruộng nương. Trong những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển mạnh, người dân Tả Van bắt đầu làm du lịch để thoát nghèo.
Đặt chân đến Tả Van, là thấy nhiều nhà sàn cùng rất nhiều tấm biển đơn giản đề dòng chữ “Homestay”. Những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, nép sau những bụi tre, bên những con suối nhỏ. Vật liệu chính là gỗ và những đồ truyền thống của người dân tộc khiến du khách cảm thấy thích thú và gần gũi hơn. Ở đây, hầu hết các căn nhà cho thuê theo dạng homestay đều có những chiếc ghế dài và một chiếc bàn nho nhỏ, vài chậu cây, hay hàng rào xanh mát, nơi du khách có thể thả mình nhấp từng ngụm trà nóng, nghe chim hót, đọc dăm ba câu chuyện thú vị hay chỉ đơn giản là nhắm mắt lại, để nghỉ ngơi, để được hoà quyện vào không gian xanh mướt, trong lành.
Anh Hạng A Páo, Bí thư Đoàn xã Tả Van cho biết: Khi đất nước càng ngày càng hiện đại thì chủ yếu dịch vụ homestay là phát triển nhất để cho khách lưu trú đến du lịch tại địa phương lưu trú qua đêm. Dịch vụ này là hiệu quả nhất. Lực lượng thanh niên có vai trò đi tuyên truyền đến các họ dân trong bản hiểu thêm về vấn đề thu nhập, phát triển kinh tế đi tuyên truyền cho các hộ gia đình có đoàn viên thanh niên để tham gia các đợt sinh hoạt của đoàn xã. Các đoàn viên triển khai sâu rộng đến bà con nhân dân làm nhà nghỉ homstay để bà con cải thiện đời sống và phát triển kinh tế, mở rộng tầm vĩ mô hơn.
Là một bản nhỏ phải đi đường đèo núi xuống, nhưng tại bản Tả Van vẫn có đầy đủ các nhu yếu phẩm cho bất kỳ ai muốn nghỉ qua đêm. Ở khu trung tâm bản Tả Van, có một khu phố với nhiều nhà homstay, các quán cà phê, siêu thị và khu chợ bày bán phong phú các mặt hàng để du khách cũng như người dân có thể mua sắm hầu hết các vật dụng cần thiết. Các hàng quán chủ yếu bán rau sạch, bán thịt lợn, nuôi gà giống địa phương để phục vụ cho khách. Các nhu cầu yếu phẩm sẽ được cung cấp tại bản chứ không phải đi Sapa mua đồ về về nữa.
Chị Chảo Cờ Mẩy, người dân bản địa,bán hàng tại phố chợ chia sẻ: "Chị đi bán hàng như này được 5 năm rồi. Bán hàngchủ yếu là tự trồng rồi lấy bán như rau sạch, chuối sách. Chủ yểu phục vụ dân và khách du lịch. Vì có nhiều khách đến du lịch nên có chợ. Chị vẫn làm ruộng rộng lắm nhưng vì có chợ ra đời thì cả nhà trồng rau bán. Khách đến đây nhiều quá nên ai cũng thích đi bán hàng. Đi bán hàng như này cũng có thể kiếm tiền được mỗi ngày vài chục nghìn để mua mỡ mua mì chính về ăn, có tiền đóng học cho các cháu".
Đến lưu trú dài ngày tại Tả Van, các du khách còn có thể tham gia các hoạt động thể thao tại sân bóng nhân tạo nằm ngay cạnh Ủy ban xã. Tại sân bóng đá nhân tạo này cũng là nơi mà nhiều đoàn khách Châu Âu, nhiều tổ chức từ thiện phi Chính phủ đã có các buổi tổ chức giao lưu, dậy và cùng tham gia các trò chơi cho trẻ em địa phương.
Bạn Lý Thị Cở, 27 tuổi, chia sẻ: "Anh chị khách nước ngoài có nhiều lớp để dậy các em. Họ đã giúp đỡ người dân tộc rất nhiều như giúp các em tham gia các trò chơi, phòng chống các tệ nạn buôn bán người. Cái trò chơi này là trò chơi mở khóa nhằm có thêm kiến thức hiểu biết về xã hội hiện đại. Em đã được học nhiều lần và đều được tham gia dậy các em."
Màu xanh ngát của những thửa ruộng bậc thang trải dài quanh co bên những sườn núi hùng vĩ nơi đây đã tạo nên một cảnh sắc mê hoặc lòng người. Dọc đường vào bản, nhiều đoàn khách cả Tây cả khách ta cùng tản bộ vào đây. Lẫn trong tiếng nói cười vui vẻ của du khách là tiếng các cô bé bản địa nói tiếng Anh như gió hướng dẫn khách vào bản, bấy nhiêu thôi cũng đủ để cảm nhận được sức hút nơi đây.
Bà Giàng Cổ Sỉu, 69 tuổi, dân tộc Mông chia sẻ: "Ngày xưa làm ruộng nương, trồng lúa trồng ngô thì nhiều trong nhà chỉ có trâu bò, lợn gà thôi nhưng giờ già rồi làm vất vả. Xã hội bây giờ phát triển nên trong bản có nhiều của hàng bán đồ được thấy người nước ngoài nhiều được giao tiếp với họ nên thấy thích. Vì già rồi nên không có khả năng học tiếng để nói chuyện với họ nên cũng tiếc.
Chảy ngoằn nghèo qua bản Tả Van là một con suối lớn, ở đó du khách có thể lội suối cảm nhận dòng nước mát lạnh, hay nhấm nháp ly café tại một quán gần đó ngắm hoàng hôn. Đó là một trong những khung cảnh tuyệt đẹp của Bản Tả Van. Du khách có thể ngồi ngoài hiên nhà, ngắm nhìn ra những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả, những dãy núi ẩn hiện sau những đụn mây, ngồi nghe chim hot, nghe tiếng suối chảy róc rách. Một khung cảnh yên bình làm say lòng du khách.
Theo VOV5