Ai lên Tây bắc mùa này, đi giữa rừng hoa ban có thể nghĩ mình đang lạc vào tiên cảnh. Bà con người Thái Mường có hẳn một lễ hội hoa ban, gọi là Xên Mường. Trong lễ hội, bà con cúng lớn tri ân tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Hoa ban là hoa của sự may mắn, tốt đẹp.
Hoa ban có tên khoa học là Bauhinia variegata, là loài hoa cận nhiệt đới, có nhiều ở vùng Đông Nam Á. Cách đây khoảng 60 năm, căn bản chỉ có núi đồi các tỉnh Tây bắc mới có hoa ban. Cây ban có một sức sống bền bỉ tuyệt vời. Là thân mộc nhưng cành nhánh của nó khẳng khiu, qua mùa đông trụi hết lá. Khi mùa xuân đến, những tia nắng đầu tiên trở lại, khí hậu ấm lên là những chồi non và những nụ hoa nhú ra rồi nở rộ như mai vàng miền Nam, làm thành một tấu khúc thanh xuân.
Hoa ban có hai loại. Hoa ban tím cánh nở ra tím ngát, đậm hơn bằng lăng, nhạt hơn linh lan trên núi đồi miền Trung. Màu hoa thanh tân, hồn nhiên nhưng dáng hoa khá sang trọng. Nhà nho ca ngợi “Hồng hoa thị vương giả chi hoa” - hoa hồng là loài hoa của sự vương giả nhưng thực tế hoa ban tím cũng vương giả như hoa hồng.
Hoa ban trắng cánh nở ra trắng muốt, trong hơn cả bạch ngọc. Nụ hoa ban trắng dài dài như nụ mai, khi mãn khai hé lộ một màu ngọc tinh tuyền, cái màu trắng đơn sơ mà hồn nhiên vô tỷ. Trong Thần điêu hiệp lữ, nhà văn Kim Dung mô tả cô Tiểu Long Nữ phái Cổ Mộ chỉ mặc một màu lụa trắng.
Tiểu Long Nữ dù sao cũng mặc lụa mà màu lụa trắng vẫn do tay người làm ra, nghĩa là màu trắng ấy vẫn có giới hạn của một sản phẩm nhân tạo. Ông gọi cô là hình ảnh tượng trưng cho sự trong sáng, trinh bạch, vô ưu. Không, màu trắng của hoa ban trắng mới đúng với ba tính chất hồn nhiên, trinh bạch, vô ưu đó. Ngắm màu hoa ban trắng, lòng ta sáng ra, bao nhiêu tạp niệm không còn, bao nhiêu nỗi ưu tư trên đời tiêu tan hết.
Năm 1960, người Hà Nội đưa hoa ban từ Tây bắc về trồng, tập trung nhất là các con đường quanh hồ Tây. Trên vùng đất mới đồng bằng, loài hoa thiên nhiên của núi đồi Tây bắc không phụ lòng người chăm sóc. Mỗi mùa xuân đến, hoa ban lại phô sắc trên phố phường Hà Nội. Người Hà Nội đi giữa mùa xuân, dưới bóng hoa, chụp ảnh, tìm thi hứng, viết ca khúc.
Mười năm trước đây, người Đà Lạt nảy ra sáng kiến đưa cây ban Tây bắc về trồng trên đất bazan cao nguyên. Những cây ban được bứng gốc, được bao gốc thận trọng, xử lý cành nhánh rườm rà, vượt hàng ngàn cây số về với cao nguyên đất đỏ phương nam. Những công nhân cây xanh và các nhà nông học đã trồng cây xuống, chăm sóc, vỗ về như mẹ yêu con. Kết quả thật tốt đẹp: hoa ban đã xanh cây bén rễ trên đất bazan Đà Lạt, mỗi năm mùa xuân về lại rụng lá và dâng cho đời những nụ hoa tươi đẹp.
Người ta gọi Đà Lạt là thành phố ngàn hoa. Trong ngàn hoa phô sắc, nếu có thêm một loài hoa thì cũng không nhờ vậy mà nhiều lên, bớt đi một loài hoa thì cũng không vì vậy mà ít đi. Thế nhưng, đứng chân trên cao nguyên, hoa ban đã chứng minh vị trí ưu việt của nó mỗi khi mùa xuân đến.
Hoa ban nở, những con đường đẹp thêm với màu trắng vô ưu, trinh bạch, hồn nhiên. Ban hài hòa với anh đào, phượng tím. Du khách lên Đà Lạt đi dưới những con đường có hoa ban cứ mải ngước mắt nhìn, dừng lại chụp những tấm ảnh kỷ niệm và trầm trồ về màu hoa mới, mùa hoa mới. Hoa ban tạo nên một bè violin và harpe nổi bật nhưng dịu dàng trong bản đại hòa tấu về ngàn hoa Đà Lạt. Hoa ban làm nên những góc nhìn đẹp, tươi sáng, tĩnh tại.
Nếu lên chơi Đà Lạt dịp tháng 3 dương lịch, bạn sẽ được ngắm màu hoa ban nở. Một góc đồi núi, một loài hoa đẹp, một khúc tâm tình của Tây bắc về đây giữa Đà Lạt thơ mộng. Hoa ban giao thoa, giao hòa và hội nhập với vẻ tươi đẹp vốn có của Đà Lạt khiến thành phố ngàn hoa đẹp hơn, thanh thoát hơn, trữ tình hơn. Hãy lên đó mở tâm hồn ra, xua tan tạp niệm, xúc động ngắm muôn hoa phô sắc, trong đó có màu hoa ban hồn nhiên, trinh bạch, vô ưu.
Tháng 2 năm nay, TP.Đà Lạt tuyên bố hủy bỏ lễ hội hoa anh đào hằng năm, dù công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn thành. Tôi cho đó là một quyết định can đảm, một cách làm du lịch trung thực của TP.Đà Lạt. Nắng mưa bất thường của thời biến đổi khí hậu đã khiến hoa anh đào - loài hoa truyền thống mùa xuân của Đà Lạt, nở không đều, cánh hoa bị dập.
Thực tế đó đã khiến Đà Lạt tuyên bố hủy bỏ lễ hội. Đà Lạt chỉ muốn giới thiệu với du khách những gì đẹp nhất, xứng đáng nhất. Hủy bỏ một lễ hội vì mùa hoa không ưng ý, không đẹp là một cách làm thể hiện lòng tôn trọng du khách và tôn trọng uy tín thương hiệu của mình.
May thay tháng 3 về, hoa ban nở lại làm đẹp cho Đà Lạt. Người phương xa lên với cao nguyên, uống cà phê ngon, nghe suối reo thác đổ, ngắm rừng thông xanh và dạo chơi dưới những còn đường hoa ban nở trắng. Du lịch ngày nay không còn là đổi gió nữa mà là văn hóa, tìm hiểu văn hóa. Hoa ban làm nên một nét văn hóa mới cho Đà Lạt, nối tiếp cái văn hóa “mùa xuân sang có hoa anh đào”.
Đà Lạt là thành phố cao nguyên đẹp nhất nước, thơ mộng, tươi đẹp, không khí trong lành. Có một điều, nói về hoa nhưng tôi lại nghĩ… chuyện rác. Theo tôi, Đà Lạt nên triệt để dẹp hẳn bãi tập kết rác trước chợ Đà Lạt. Ai lên Đà Lạt cũng đến chợ để mua sắm nhưng ngửi phải mùi xú uế, nhìn thấy bãi tập kết rác thấy rất ngán ngẩm. Dẹp bỏ hẳn bãi tập kết rác đó là tạo điều kiện để ngàn hoa tươi thắm quanh năm đón chờ du khách đến.
Theo Thanh niên online