Tết trong nhà và ngoài ngõ
Là một thương nhân làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh từ trước năm 1672; được cử sang Đàng Ngoài từ năm 1678 - 1682; là người mang một nửa dòng máu Việt, sinh quán tại Kẻ Chợ (cha là thương nhân Hà Lan, mẹ là một phụ nữ Việt Nam), hòa nhập khá thuận lợi vào thế giới quý tộc Đàng Ngoài vào nửa cuối thế kỷ 17, Samuel Baron đã có những ghi chép giá trị trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (tên gốc: A Description of the Kingdom of Tonqueen, xuất bản lần đầu năm 1685).
Quốc hiệu, cương thổ, khí hậu, sản vật cho đến hành chính, thương mại và đời sống tinh thần của người Việt ở Đàng Ngoài được Samuel Baron khảo tả khá chi tiết.
Về phong tục lễ tết, Baron đề cập những biểu hiện thuộc về gia đạo. Có một chi tiết khá đặc biệt, đó là nói về đạo hiếu của người con nuôi với cha mẹ nuôi. Xuất phát từ chỗ người Đàng Ngoài trong xã hội nông nghiệp truyền thống, nên "mong ước có gia đình đông đúc và nhiều con cháu nên các gia đình có phong tục nhận con nuôi, bất luận nam hay nữ". Bổn phận của con nuôi cũng tương tự như con đẻ, tới ngày lễ tết là phải đến thăm nom và tặng quà cho cha mẹ.
Thời gian của tết là từ "khoảng ngày 25 tháng một theo lịch của người Âu (tức rơi vào ngày mùng một, âm lịch - NVN) và kéo dài khoảng ba mươi ngày". Các trò tiêu khiển được tổ chức khắp nơi. Các đám đông tụ hội chơi đánh đu, vật cầu, hất phết, những trò biểu diễn khéo tay, ảo thuật... xuất hiện nhiều trên các góc phố. "Người Đàng Ngoài bao giờ cũng hối hả chuẩn bị cho dịp lễ này sao cho trọng thể nhất, chẳng ai chịu kém cạnh những nhà xung quanh, họ tổ chức ít nhất cũng ba bốn bữa, tùy theo năng lực của từng gia đình. Bởi đây là thời điểm ăn chơi thả cửa nên nếu người ta không tiệc tùng thết đãi họ hàng và bằng hữu - dù biết làm thế thì những tháng còn lại sẽ phải ăn mày để sống - sẽ bị mang tiếng là đồ bần tiện" (Samuel Baron, Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Hoàng Anh Tuấn dịch, Omega+ & NXB KHXH, 2019).
Tin vào điềm tốt, điều xấu
Ngày đầu năm, người dân sẽ chỉ ở trong nhà, không tiếp khách trừ họ hàng thân thuộc, tránh ra đường vì sợ nếu gặp điều chẳng lành thì vận hạn theo cả năm. "Vào ngày mùng 2 tết họ mới đi thăm hỏi và chúc tết những người bề trên, cũng như việc những người bề dưới đến thăm và chúc tết họ. Tuy nhiên, quan lại sẽ vào chúc tết vua và chúa trong ngày đầu năm hết sức đúng giờ và lễ phép", Baron viết.
Từ đó, dẫn đến cực đoan: "Nhiều người thẳng thừng từ chối cho người khác dù chỉ là một ngụm nước, một viên than củi và sẽ vô cùng giận dữ với những ai ngỏ ý xin họ trong ngày đầu năm bởi họ mê tín rằng sẽ gặp điều rủi ro, rằng cả năm họ sẽ cho liên tiếp và cuối cùng là rơi vào cảnh ăn mày".
Nếu như Alexandre de Rhodes miêu tả không khí một lễ tịch điền như "những gì trông thấy", thì Samuel Baron nói về niềm tin sâu xa trong nghi lễ quy mô quốc gia này.
Samuel Baron viết, vua hiếm khi ra khỏi cung cấm du ngoạn, nhưng trong một dịp được coi là ngày tốt đầu năm mới thì xuất hiện trước thần dân để cử hành nghi lễ trọng đại.
Lễ tịch điền được tiến hành ở một cánh đồng có dựng trại ở phía nam kinh thành; vua, chúa và thái tử đến sớm. "Khoảng 8 giờ sáng, một phát súng thần công nổ vang. Chúa, thái tử và đại quan tiến về phía vua để dâng lên lời chúc tụng (Chúa và thái tử chỉ làm lấy lệ cho có nghi thức). Nghi thức được cử hành trong im lặng nhưng khá long trọng và trang nghiêm từ cả hai phía. Ngay khi tiếng thần công thứ hai rền vang, nhà vua được tháp tùng đến những cánh cửa còn đóng kín. Vua gõ cửa; tiếng người canh cửa hỏi "Ai?". Vua đáp: "Trẫm". Người ta để vua tiến vào, không ai được đi theo tháp tùng, vì điều đó sẽ là trái với sự mê tín của họ. Vua làm như thế ba lần để qua ba cửa và bước vào trong nhà - nơi ông cử hành cầu nguyện thần linh với sự thành kính của mình theo lối riêng của người xứ Đàng Ngoài, sau khi đã chay tịnh để dâng lên thần linh. Sau khi đã khấn xong, vua bước ra ngồi lên kiệu sơn son thếp vàng đặt ở ngoài sân. Sau một thoáng nghỉ ngơi, người ta dâng lên nhà vua một chiếc cày đã đóng trâu vào để sẵn sàng cử hành - hệt như cách người dân vẫn cày hằng ngày. Nhà vua nắm lấy tay cày, cầu phúc lành cho vương quốc và bắt đầu dạy cho dân chúng bằng hành động tượng trưng này rằng không một ai được xấu hổ khi mình là người cày ruộng, rằng sự lao động chuyên cần, biết lo liệu tính toán và chịu thương chịu khó làm ăn sẽ được đền đáp xứng đáng".
Tác giả cũng được kể rằng lễ tịch điền diễn ra cùng với lễ chén bát (có thể là lễ cúng cơm mới). Người ta dọn lên những chiếc bát phủ sơn, bịt giấy sạch đựng cơm vàng, cơm trắng, rau và thảo dược. Vua sẽ "bắt thăm", nếu mở chiếc bát đựng cơm màu vàng thì người dân vui mừng tin rằng vụ mùa năm đó sẽ bội thu, còn nếu bát cơm trắng thì vụ mùa tốt tươi, bát nước thì bình thường, còn bát rau thì có điềm gở: đói kém và chết chóc. Lễ tịch điền kết thúc sau một tràng đại bác thứ ba rền vang. Vua, chúa và thái tử đi qua kinh thành, giữa quân binh 3.000 hoặc 4.000 chiến mã, khoảng 100 hoặc 150 chiến tượng được trang hoàng lộng lẫy, kèm theo đó là không dưới 10.000 quân sĩ diện những bộ đồng phục (áo, mũ) rất đẹp.
Vua sẽ ném những nén bạc ban phúc cho thần dân trên những con phố của kinh thành ngày xuân.
Theo Thanh niên