leftcenterrightdel
Mùa này những thửa ruộng bậc thang ở Nậm Cang vàng ươm đang vào vụ chín. (Ảnh: Hiếu Phương) 

Nậm Cang thuộc xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Từ Sa Pa, du khách đi theo đường tỉnh 152 khoảng 36km là đến Nậm Cang.

Theo tiếng địa phương, Nậm Cang có nghĩa là nước ở đầu nguồn. Nơi đây cũng là khởi nguồn của 3 con suối lớn: Nậm Cang, Nậm Pá và Nậm Thang, nơi vừa cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vừa có nước tưới cho cánh đồng tươi tốt.

Không rực rỡ như Tả Phìn hay Mường Hoa và không phải miền đất phát triển mạnh về du lịch, nhưng Nậm Cang có cái riêng thu hút du khách, đó là một thung lũng xanh, bao quanh rừng núi nên có phần tách biệt hẳn với các vùng khác. Nhiều người bảo, chính sự “cô đơn” trá hình đó đã giúp cho không gian ở đây yên bình và lặng lẽ hơn nơi nào hết.

Đầu tiên khi nhắc đến Nậm Cang đó là những thửa ruộng bậc thang dài rộng thênh thang hút mắt người nhìn. Những thửa ruộng trùng trùng điệp điệp, uốn lượn như sóng cạn vàng óng, bùng sắc hơn trong ánh nắng. Phía xa xa là những con suối chảy nhẹ nhàng, những mỏm đá sừng sững cùng những túp lều xinh xắn của người dân địa phương... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy tính nghệ thuật.

Đặc biệt hơn, lúa ở đây chín sớm so với những nơi khác. Trung tuần tháng 7, lúa bắt đầu lên đòng. Giữa tháng 8 đầu tháng 9 là mùa lúa chín rộ. Lúc này, dường như cả bản làng thay màu áo mới, một sắc vàng tươi tắn và căng tràn sức sống.

Đứng trên đồi cao nhìn xuống, Nậm Cang như một bức tranh đa sắc màu. Đan xen giữa những ngôi nhà sàn của đồng bào Mông và Dao là những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín nằm tầng tầng lớp lớp. Vì thế, đến với Nậm Cang mùa này, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên yên bình, du khách còn có cơ hội thưởng thức những sản vật núi rừng với các món ăn hấp dẫn như thắng cố, lẩu cá hồi, thịt lợn cắp nách, cá suối nướng, lợn bản quay và nhiều loại rau rừng thơm ngát...

Chiều xuống, thả sức đi bộ thăm bản làng, khám phá cuộc sống của người Dao đỏ nơi thung lũng; tìm hiểu về nghề thêu thùa, chạm bạc, làm giấy tre và thảo dược truyền thống nổi tiếng.

Con đường mòn len lỏi qua các nhà dân nằm giữa rừng sâu đưa du khách từ thú vị này tới ngạc nhiên khác. Càng tìm hiểu càng thấy cuộc sống nơi đây thật yên bình: Phụ nữ ngày ngày dệt vải, thêu thùa, hoặc lên rừng hái lá thuốc; đàn ông làm nghề chạm bạc, làm nương; trẻ em những buổi nghỉ học sẽ rong chơi bên những con suối lớn nhỏ hay chăn trâu, bò, phụ việc gia đình.
leftcenterrightdel
Những thửa ruộng bậc thang dài rộng thênh thang ở Nậm Cang. (Nguồn: VNE) 

Sau một ngày dài khám phá tìm hiểu vẻ đẹp văn hóa của bà con, du khách thả mình trong bồn tắm gỗ ngập nước, với mùi thơm hương lá rừng nhẹ nhẹ. Theo giới chuyên gia, tắm lá thuốc người Dao không chỉ đơn thuần là phương pháp chăm sóc sức khỏe mà còn là yếu tố tạo thành bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Trước đây, người dân ở Nậm Cang chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và có thói quen lên rừng cũng như sinh hoạt bên những con suối; lên rừng hái lá cây để làm thuốc hay tìm kiếm thức ăn… nhưng giờ đây, người dân Nậm Cang không chỉ duy trì canh tác ruộng bậc thang tạo cảnh quan mà đã biết dựa vào thế núi, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên ưu đãi, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển nghề truyền thống (thêu thổ cẩm, chạm khắc bạc, rèn nông cụ, đan gùi...) để hình thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Sa Pa với loại hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng...

Cùng với đó, người dân đã phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh với hơn 80 trại nuôi cá dọc dòng suối Nậm Than và một số khe suối nhỏ. Nhiều gia đình thu hàng chục tấn cá mỗi vụ. Theo Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh – ông Vù A Trùng, trên địa bàn các thôn của xã Nậm Cang cũ hiện có khoảng 80 trại nuôi cá nước lạnh. Nhà nào ít cũng nuôi 2-3 bể, nhà nhiều có cả hệ thống hàng chục bể cá...

Hộ nuôi nhiều và có thâm niên lâu nhất ở Nậm Cang là ông Tẩn Chằn Quyên. Không chỉ là người tiên phong đưa giống cá nước lạnh về nuôi, ông Quyên còn mời kỹ sư thủy sản lên trực tiếp chỉ đạo sản xuất cá giống, cá thương phẩm và trả thù lao với mức 15 triệu đồng/tháng.

 Đến Nậm Cang sẽ thật thiếu sót nếu như bạn không thử trekking khám phá các dòng suối lớn, tận hưởng không khí trong lành, xanh mát bên trong những cánh rừng rậm rạp và chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.

Theo baoquocte