Ảnh minh họa: ST

Theo Hòa thượng, TS Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay, ngay cả khi Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang tiếp tục cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giới, thì từ hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã khẳng định: Tất cả chúng sinh đều có cùng một bản thể, không có gì sai khác và đều có Phật tính; sự khác biệt giữa giới tính nam nữ chỉ là thứ yếu, sự giác ngộ của tâm tính mới là điều quan trọng nhất. Điều đó cũng có nghĩa là, người phụ nữ cũng có vị thế trong xã hội, có quyền độc lập, được xem là những cá nhân, chứ không phải chỉ là những món đồ thuộc sở hữu của đàn ông và được tôn trọng.

Mặc dù vậy, đôi khi Đức Phật cũng nói đến khuynh hướng tự nhiên và những nhược điểm của phụ nữ nói chung, bên cạnh việc ngợi khen tài năng và khả năng của họ. Bên cạnh đó, dù đề cao địa vị của phụ nữ trong xã hội, Ngài vẫn chỉ ra những khác biệt về xã hội và tâm lý giữa nam và nữ giới; quan trọng nhất, dù có thể độc lập, có thể được tự do, song bổn phận của phụ nữ là chăm sóc nhà cửa và người chồng của mình.

"Nhưng cũng cần nói thêm rằng, để hoàn thiện những quan điểm trên cũng cần một thời gian nhất định và những sự kiện diễn ra trong lịch sử của Phật giáo đã cho ta thấy điều đó", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết. Ban đầu và có những lúc, phụ nữ vẫn bị coi là một đối tượng cần đề phòng và không thực sự có khả năng trong nhiều việc, ví dụ như trong Kinh Niết Bàn có đoạn: "Nếu người nào không tự biết mình có Phật tính, tôi gọi đó như là một người phụ nữ, nếu người nào tự biết mình có Phật tính, tôi nói đó là một người đàn ông thực sự; nếu có phụ nữ nào có thể nhận ra rằng bản thân mình chắc chắn đang hiện hữu Phật tính, nên biết đó chính là một nam tử".

Nhưng qua thời gian, việc nhìn nhận về nữ giới của Phật giáo càng đầy đủ và theo chiều hướng tích cực hơn. Từ việc cho rằng, nếu "một người phụ nữ có thể tự nhận ra mình có Phật tính, thì chắc chắn đó là một nam tử" hay cần phải "tỉnh giác phòng họ", vị thế của nữ giới dần được khẳng định. Quan điểm đó được thể hiện qua phẩm thứ Hai của bộ Kinh Tương Ưng: Khi thấy vua Pasenadi nước Kosala muộn phiền vì nghe tin báo hoàng hậu Mallika vừa hạ sinh công chúa, Phật liền khuyên:

Này nhân chủ, ở đời,/ Có một số thiếu nữ,/ Có thể tốt đẹp hơn,/ So sánh với con trai,/ Có trí tuệ, giới đức,/ Khiến nhạc mẫu thán phục. Rồi sinh được con trai,/ Là anh hùng, quốc chủ,/ Người con trai như vậy,/ Của người vợ hiền đức,/ Thật xứng đáng là Đạo sư,/ Giáo giới cho toàn quốc.

Đức Phật cũng chỉ ra một sự thật hiển nhiên nhưng không mấy ai khi đó chịu thừa nhận, đó là: Người phụ nữ là mẹ của những người đàn ông; và vì thế, không ai xứng đáng cho chúng ta kính ngưỡng, tôn sùng bằng người mẹ của mình:

Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói sáng/ Mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặn/ Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ/ Mẹ hiền khuất rồi gọi là đêm tối u ám.

Hòa thượng, TS Thích Bảo Nghiêm

Đề cao vị thế của người phụ nữ là để tiến tới đích cuối cùng - sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ với chồng. Vì thế, Đức Phật thường dùng danh từ Pàramàsakhà (những người bạn tốt của chồng họ) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn. Tương tự như vậy, trong Tăng Chi Bộ kinh, Ngài khuyên con cái phải kính trọng cha mẹ trong nhà. Còn trong bộ kinh Tăng nhất A-hàm, Đức Phật nói: "Các Tỳ-kheo, hãy thường nhớ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ".

Qua hai đoạn kinh trên ta thấy, Đức Phật không chỉ dạy những người làm con phải có hiếu, báo hiếu và có trách nhiệm cúng dường cha mẹ, Ngài còn khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ khi đặt vị thế, vai trò của họ ngang nhau trong việc sinh dưỡng những đứa con của mình. Quan điểm này thể hiện tư tưởng "vượt trước" của Đức Phật không chỉ trong một xã hội đang bị đè nặng bởi sự phân biệt đẳng cấp như Ấn Độ lúc bấy giờ, mà còn trong cả khu vực, bao gồm nhiều quốc gia phương Đông khác, khi tư tưởng "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" của Nho giáo đang phổ biến và trở thành cách sống ở Trung Hoa và nhiều quốc gia khác.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, không chỉ khuyên con cái báo hiếu với cha mẹ, Đức Phật còn dạy người chồng về trách nhiệm đối với người vợ của mình. Ngài nói: "Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ" (Theo Kinh Trung A Hàm, quyển III, Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch).

Ngài cũng chỉ ra những điều vất vả và bất lợi mà người phụ nữ phải chịu, ví như sự gian nan và khổ cực lúc phải xa nhà vào ngày cưới để về nhà chồng, sự vất vả phải tự mình gánh chịu để thích nghi với môi trường mới đầy khó khăn và trở ngại. Đó còn là cái đau đớn mà họ phải chịu đựng trong lúc kinh kỳ, mang thai và sinh nở. Tất cả những điều này tuy là những hiện tượng tự nhiên mà người phụ nữ phải chịu, nhưng là sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ, mà người chồng cần chia sẻ với vợ của mình.

Nhưng để người chồng có thể chia sẻ một cách tự nguyện và lâu dài, trên cơ sở hai bên cùng có trách nhiệm với nửa kia của mình, trong kinh Anguttara Nikaya, Đức Phật khuyên người con gái trước khi đi lấy chồng nhiều điều vô cùng giá trị, như: Phục vụ cha mẹ chồng trong tình thương yêu như chính cha mẹ mình; người vợ cũng phải trân trọng và kính nể thân quyến và bè bạn bên chồng như vậy bầu không khí thuận thảo và hạnh phúc sẽ được tạo nên trong gia đình; cần tìm hiểu bản tính người chồng, xác định hoạt động, tính nết, tâm tính của chồng, và trở nên luôn luôn hữu ích và cộng tác khi mới về nhà chồng; nên lễ phép, tử tế và ý tứ trong sự giao tế với người làm…

Bồ Tát Quan Âm khởi nguyên là "thiện nam tử", nhưng xuất hiện phần lớn với hình tượng nữ

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng cho biết thêm: Một hình tượng khác đã trở nên quen thuộc đối với tất cả chúng ta là Bồ Tát Quan Âm. Đáng nói ở đây là Bồ Tát Quan Âm xuất hiện phần lớn với hình tượng nữ. Dù khởi nguyên, Ngài vốn là một "thiện nam tử" nhưng trong thực tế, hầu hết gương mặt Ngài đều được thể hiện ở dạng nữ, với lòng từ bi, dịu dàng và kiên nhẫn, dù ở hóa thân nào. Điều đó cũng góp phần minh chứng cho địa vị của nữ giới trong Phật giáo, đồng thời là một sự khích lệ lớn lao của Phật giáo đối với nữ giới.

Trong Kinh tạng Pàli, những câu chuyện kể về các cuộc hội kiến giữa Đức Phật và phụ nữ đều chứng tỏ Ngài xem họ bình đẳng với nam giới. Sự kiện một số nữ nhân ác hạnh, hay tranh cãi và một số nữ nhân có thể lôi cuốn các Tỳ kheo ra khỏi chính đạo, vẫn không cản trở Ngài công nhận rằng nữ giới có khả năng đạt kiến thức cao và nhiều nữ nhân còn vượt hẳn nam nhi về lòng nhân từ và tận tụy hy sinh. Ngài cũng cho rằng, chính phụ nữ quyết định bầu không khí mộ đạo trong gia đình và dạy bảo con cháu các nguyên tắc đạo đức.

Bảo Anh