Du khách tham quan đầm Lập An
Biển xanh cát trắngSau nhiều lần được ngắm cái doi cát nhoi ra biển tên Lăng Cô… trên lịch treo tường, nay mới có dịp đứng đúng nơi các nhiếp ảnh gia bấm máy tại chân đèo Hải Vân. Hầu hết du khách đến với Lăng Cô đều dừng lại chỗ này ít lâu để thu toàn cảnh vào tầm mắt, cũng là một cách bày tỏ sự bái phục tài nhào nặn của thiên nhiên.
Vịnh Lăng Cô là thành viên của CLB 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới tôi ngờ một phần cũng nhờ địa hình cù lao cát độc đáo - đủ chứa cả một thị trấn và chia vịnh làm hai phần. Phía ngoài là biển, phía trong là đầm Lập An. Khi tiến sát đến chân đèo, doi cát bỗng dừng lại, để hở một khoảng nước đủ cho thuyền bè ngư dân qua. Nước trong đầm Lập An vì thế mặn như biển nhưng lại lặng như tờ. Ven bờ, du khách có thể nhìn thấu đáy đầm toàn vụn san hô trắng. Nhìn kỹ hơn nữa sẽ thấy những con cá nhỏ tuy khác dạng nhưng giống nhau ở chỗ thân mình đều trong suốt, như một cách để hòa hợp với môi trường.
Đi dọc theo bờ đầm về phía hầm đèo Hải Vân sẽ gặp một doi cát mini cho phép du khách xuống chơi và thử lội xuống nước. Xa bờ hàng chục mét mà nước vẫn chỉ đến gối. Lập An như tấm gương bạc phản chiếu dãy Hải Vân xanh bốn mùa quàng mây trắng làm duyên. Rất tiếc những khách sạn nhỏ ven đầm hầu như không tận dụng hướng nhìn ra đầm, toàn chăm lo cho mặt tiền quốc lộ. Bên kia quốc lộ là bãi biển thì đã bị các khu nghỉ dưỡng che chắn cả.
Đầm Lập An không chỉ để du thuyền ngắm chơi mà còn là bãi nghỉ của thuyền bè và chỗ nuôi trồng hải sản lý tưởng. Ven bờ có thể thấy nhiều lốp xe cho hàu bám. Có nhiều nhà hàng nổi để du khách vừa chén gỏi hàu vừa hóng gió.
Biển Lăng Cô không chỉ có nước xanh, cát mịn mà còn thoai thoải tạo điều kiện cho du khách thoải mái nô giỡn sóng. Thực ra mà nói những bãi khác cát có thể trắng hơn, nước thậm chí trong hơn, nhưng không phải nơi nào cũng có Hải Vân cao vọi làm chỗ dựa. Vừa tắm biển, vừa ngắm núi là đặc quyền của du khách ở Lăng Cô. Đi xa khu dân cư, vẫn men theo vịnh Lăng Cô, bờ biển đem lại cảm nhận khác hẳn. Một vẻ đẹp mạnh mẽ, thô ráp với những đụn cát vàng hoang sơ ngút mắt.
Trở lại thị trấn, khi chúng tôi băng qua một resort lâu năm để ra biển, bác bảo vệ tiến ra thông báo nếu muốn tắm biển phải đưa 30.000 đồng. Cam kết không tắm, bác bèn cho qua miễn phí. Tôi hoàn toàn có thể tắm biển rồi về bằng nhiều đường khác nhưng vẫn chọn đường cũ để bác thấy tôi vẫn hoàn toàn khô ráo. Lúc này bác lại tiến ra tư vấn nên thuê một xe máy đi suối chứ chỉ loanh quanh bãi biển thì chán chết. Chúng tôi không cần xe của bác nhưng cũng phải cảm ơn bác vì thông tin. Tôi không biết nếu có bảng xếp hạng suối đẹp trên thế giới thì Hói Dừa, Hói Mít xếp thứ bao nhiêu. Chỉ biết rằng đến Lăng Cô mà không thăm 2 con suối này sẽ là thiếu sót lớn. Xa hơn về phía vườn quốc gia Bạch Mã còn có suối Voi - thâm niên khai thác lâu hơn nên dáng vẻ cũng nhân tạo hơn.
Spa của thiên nhiên
Trịnh Tố Tâm - con đường uốn quanh đầm Lập An dẫn vào núi không chỉ đẹp mà còn vô cùng yên ắng. Dừng xe chụp ảnh mà tôi chợt thấy như đôi tai mình được nghỉ ngơi. Tiếng thuyền máy chạy trên đầm vọng lại từ xa xăm càng như làm nổi rõ sự tĩnh lặng của không gian. Đi theo đường này bạn sẽ tới Hói Dừa trước rồi qua cầu Hói Sen tới Hói Mít.
Tất nhiên từ đường nhựa đến hai con suối đều phải đi mấy cây số đường mòn xuyên rừng nữa. Riêng Hói Dừa, bạn có thể phi xe máy đến tận bờ suối, nơi có dịch vụ nghỉ ngơi ăn uống. Đặt đồ ăn xong, chúng tôi bắt đầu hành trình ngược suối. Dùng từ mê hồn thì có vẻ sáo nhưng đúng là khung cảnh Hói Dừa (tên “thương mại” là Suối Mơ Thác Đổ) cũng gần gần thế. Liên tưởng một cách trần thế thì Hói Dừa giống như một spa của tự nhiên. Có đủ cả bể ngâm, bể sục, các tiểu cảnh trang trí đẹp vừa tinh tế vừa hoành tráng. Cứ lên cao một bước, một cảnh ngoạn mục khác lại bày ra.
Đi một hồi chỉ có chúng tôi và hai cô Tây tóc vàng đi cùng một anh dẫn đường. Trong lúc tôi oằn lưng massage dưới dòng nước cực mạnh thì bên kia chỉ thấy khui bia ngồi uống. Trở về lán nghỉ, đã quá giờ ăn trưa từ lâu. Hỏi ông chủ thì được biết Hói Dừa mới được khai thác du lịch hơn 2 năm nay và cũng chỉ mới có 4 hộ dân đang làm dịch vụ. Anh cũng khẳng định các cơ sở ở đây có đường nước thải riêng.
Hôm sau sang Hói Mít, chúng tôi gặp một barie chắn lối và mấy phụ nữ ra bắt khách phải gửi xe, đã hơi bị mất cảm tình với Hói Mít. Nó giống như kiểu BOT, sau khi họ phát quang một lối tắt (cảnh cây cối vừa bị chặt phá tan hoang nhìn khá phản cảm) dẫn vào suối thì tự cho phép mình bắt chẹt khách. Tất nhiên không thể bắt triệt để vì vẫn có khá nhiều xe máy thậm chí cả ô tô đậu bên trong.
Tất nhiên không vì thế mà bạn không nên đến Hói Mít vì dòng suối này lại đẹp kiểu khác với Hói Dừa. Một vẻ đẹp phóng khoáng, dương tính hơn với nhiều đá tảng lớn hơn, các bể ngâm/sục cũng rộng hơn. Phần đông du khách tập trung chơi, ăn, nghỉ trong những lán trại dưới thấp. Ở đây có những hồ nước to cho đủ cho vài chục người vẫy vùng thoải mái. Thanh niên hiếu động đương nhiên phải trèo lên thượng nguồn khám nghiệm những viễn cảnh mới.
Ẩm thực xứ Huế
Ở Lăng Cô, tôi ấn tượng với ẩm thực ven quốc lộ hơn là tại các nhà hàng nổi. Bánh canh cá lóc bán đầy rẫy, chỉ 15.000đồng/tô. Hẳn là cá rất tươi và xử lý khéo nên không tanh chút nào. Nước dùng có vị thanh chứ không ngọt đẫm kiểu mì chính. Đang ăn thì một bà quảy gánh tới gạ mua bánh mì- vốn được dân ở đây dùng thay quẩy. Thấy một bên quang gánh của bà có nồi thịt kho liu riu bèn gọi một cái bánh mì cặp thịt, giò. Không hiểu chế biến kiểu gì mà thịt (có vẻ toàn mỡ với bì) ăn vừa giòn vừa dai, lại không ngấy. Buổi tối ở thị trấn mà không ăn cháo hàu (ở quán Mèo) kể cũng uổng.
Ngay bữa tối đầu tiên khi vừa đến Lăng Cô, tôi rất ấn tượng với quán Như Ngọc. Tất nhiên không phải vì bị muỗi đốt liên hồi - khuyến cáo du khách đến Lăng Cô cần chuẩn bị phương tiện phòng chống côn trùng, kem bôi chẳng hạn. Rau sống thì ở đâu cũng thế mà ở đây chúng tôi xơi hết bay mấy đĩa, chỉ vì nước chấm sánh như mật pha với dứa tươi quá thơm ngon. Lại còn canh hàu tươi nấu măng! Đúng là một khi các mệ các chị Huế đã vào bếp thì khỏi chê rồi, nhất là trong hoàn cảnh Lăng Cô sẵn sản vật tươi ngon.
Ngoài mắm tôm chua, nơi đây còn nổi tiếng với món mắm sò không đâu có. Ruột sò làm sạch để ráo trộn đều với ớt bột, riềng, đậu xanh rang và muối hột giã nhỏ rồi cho vào thẩu đậy kín. Nửa tháng sau, khi sò nổi lên trên, nước đọng dưới có màu đỏ cánh kiến là mắm chín. Khi ăn, lại trộn thêm với tỏi, ớt bột, khế lát, chuối chát, đu đủ bào... Nghe miêu tả đã thấy cần phải quay lại Lăng Cô rồi.
Một đặc sản du lịch nữa của Huế không nên bỏ qua là Vườn Quốc gia Bạch Mã- cách Lăng Cô hơn 20km. Vì điều kiện lưu trú trên núi khá hạn chế nên du khách có thể đi trong ngày rồi về nghỉ tại Lăng Cô.
Theo Tiền Phong/ Quehuongonline.vn