Ảnh minh họa 
1. Ngay phía đầu hồi nhà già làng Ksor Pơng (làng Pi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) có một chiếc cối đã ngả màu bạc thếch, lòng cối sâu hút. Già Pơng nói, tuổi của nó có lẽ bằng đời một người Jrai. Mặc dù đã lâu không dùng đến chiếc cối giã gạo nhưng ở làng Pi này, hầu như nhà nào cũng có chiếc cối ngay trái nhà. Nó trở thành hình ảnh thân thuộc đầu tiên người ta bắt gặp mỗi khi trở về nhà.

 Già Pơng kể, trước đây, vùng này vốn là rừng già mênh mông, tìm cây gỗ làm cối là việc “đám đàn ông nhắm mắt cũng làm được”. Thường người ta làm cối bằng thân cây mít hoặc lộc vừng, những cây gỗ quý dùng vào việc lớn khác của làng. Chày thường làm bằng thân cây kơ nia. Dọc vùng biên giới, cây kơ nia mọc bạt ngàn, người ta chỉ việc đẵn một cây kơ nia chừng 2-3 năm tuổi, thân to bằng bắp chân người lớn, cầm vừa tay là được. Chày phải làm bằng thân cây kơ nia vì nó rất cứng, giã không bị dính lúa, giã mạnh cũng cũng không bị bể chày. Nếu làm bằng những cây khác khi giã có thể bị tét đầu chày. Độ sâu của lòng cối ban đầu chỉ chừng gang tay, rồi cứ sâu dần cho đến khi thủng lòng cối người ta sẽ thay thế bằng chiếc cối mới. Có khi chiếc cối đã làm hết phận sự của mình vẫn được giữ lại ngay vị trí người ta đặt nó, nhưng bên cạnh đó, sẽ có chiếc cối mới thay thế. “Đời một chiếc cối có khi dài hơn cả một đời người”.

 Vị già làng cho biết, trước đây hễ làng có lễ hội là nghe tiếng chày thậm thịch suốt ngày đêm. Ngày bình thường cũng nghe âm thanh quen tai này. Người ta giã gạo, giã lá mì. “Bây giờ hiếm hoi lắm mới phải dùng đến cối. Mọi thứ đã có máy móc thay thế rồi”-già Pơng chậm rãi nói. Thế hệ của già Pơng đã lớn lên trong tiếng giã quen tai ấy đến mức, nó đi vào tiềm thức, có nó thì bình thường nhưng bỗng một ngày, khi vắng thanh âm ấy, người ta bỗng đem lòng thương nhớ.

 2. Khi được hỏi về những kỷ vật chiến tranh, bà Rơ Châm H’Yéo-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh có nhắc đến tiếng chày. Bà nói chỉ cần nghe tiếng chày là biết dân làng no hay đói, chiến dịch ngắn hay dài. Tiếng chày trước mỗi chiến dịch mang đến không khí khẩn trương, nhưng đồng thời cũng gợi những tình cảm thầm kín về quê hương xứ sở. Bà kể: “Năm 1972-thời điểm khốc liệt cuối cuộc chiến, chúng tôi lúc ấy phải bám đồn Chư Nghé-một địa bàn hành lang chiến lược. Ngày ấy tiếp tế lương thực từ bên ngoài vào không nhiều, bộ đội địa phương hầu như phải tự túc lương thực bằng cách trồng lúa, trồng bắp. Nhưng nếu không có sự tiếp tế của người dân, chúng tôi khó trụ vững. Vì thế, chỉ cần nghe tiếng chày, chúng tôi biết tình hình lương thực trong dân. Hễ vắng tiếng chày có nghĩa là làng đói, bộ đội đói”.

Nữ cựu chiến binh này nhớ lại: “Lòng cối của người bản địa sâu chừng gang tay nên mỗi cối lúa chỉ giã được khoảng 3 ký gạo. Giã vài tấn gạo mất rất nhiều thời gian. Trước mỗi chiến dịch, hầu như dân làng phải giã gạo cả đêm. Những đứa trẻ được mẹ địu trên lưng, cứ thế ngủ suốt đêm trên lưng mẹ. Ngày ấy đơn vị tôi có 3 anh người ngoài Bắc, họ có biết chút ít về cách làm bộ chày cối giã gạo theo kiểu của người đồng bằng Bắc bộ. Vậy là họ làm thử, không ngờ thành công và giã được nhiều lúa gạo hơn hẳn”. Bà nói, nhiều năm sau giải phóng, mỗi khi về làng hoặc bất chợt nghe tiếng giã gạo, bà đều xúc động, nhắc bà nhớ đến ơn sâu nghĩa nặng của những con người vô danh ở các ngôi làng, nhưng những đóng góp thầm lặng của họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

3. Đã có biết bao em bé lớn lên trên lưng mẹ, trong những đêm giã gạo nuôi bộ đội. Để mỗi khi xa làng, chỉ cần nghe nhịp chày vọng lại đâu đó, hay có khi chỉ là thanh âm từ tiềm thức vọng về mà như được sống lại trong không gian bình yên thân thuộc, bên những nếp nhà sàn, cùng tiếng trẻ nô đùa, mùi hăng nồng của khói bếp, mà nhớ bữa cơm chiều với vài con cá, hay bóng mát cây kơ nia đầu làng… Hay đơn giản chỉ là âm thanh của tiếng chày giã gạo. Phải, là tiếng chày giã gạo thân thuộc với bao nhiêu em bé ở khắp các ngôi làng Tây Nguyên đã lớn lên trên lưng mẹ sau mỗi “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”.

 

Theo Gia Lai online