Chợ Dinh ngày nay - VŨ KHÁNH TRƯỜNG
Mấy chị, mấy dì 'mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười'
Năm 5 tuổi, tôi đã biết đến mùi chợ búa là gì. Má có sạp đường nhỏ ở phía sau, ngay cây bàng nghe đồn linh thiêng dữ lắm. Hàng của má có thau đường mía La Hai đen thui còn chảy mật, thúng đường tán cho người ta mua về cúng ông địa mỗi sáng kèm bánh tráng biển. Đường cát vàng, cát trắng cân thành bịch. Thêm rổ đường lon vàng chóe bà con hay mua về nấu chè trôi nước thơm lừng.
Sáng sớm, má ra chợ bỏ mối cho bạn hàng. Chút nữa tôi hay theo anh chị lẽo đẽo ra ngồi bên cạnh, cầm cây “phất trần” như mấy ông Bụt bà Tiên quẩy qua quẩy lại đuổi ruồi nhặng.
Chợ Dinh ngày ấy có bàn phở dì Há, dì Tâm, đối diện hàng đường của má. Nội nhìn và ngửi mùi phở thơm lừng với cái thau móng giò, tái nạm, cùng bịch bánh phở và rổ rau thôi, tôi ngỡ mình đang lạc vào một thế giới mộng mơ. Nhà đâu có nhiều tiền để được ăn phở ăn bún bò thả cửa như giờ. Tôi cứ ước mơ ngày mai giàu sang rỡ ràng, sẽ về bao hết cả hàng, ăn chục tô, đãi khắp cùng dòng họ.
Hàng bún riêu của bà Phán me mé gần bên luôn đông khách. Bà ngoài bảy mươi, nhưng thiệt tình, tôi chưa thấy người già nào đẹp đến nhường ấy. Bà rất ốm, tóc bạc trắng búi cao, mặc bộ bà ba láng cóng, sạch sẽ vô ngần, môi lúc nào cũng đo đỏ như thoa son. Tôi nghĩ người ta tới ăn bún vì ghiền thì ít, mà mê nhìn nét đẹp lão của bà thì nhiều. Tôi không có tiền ăn, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé qua, đứng tần ngần nhìn, khỏi cần coi phim cũng thấy hình ảnh của bà tiên màu nhiệm.
Bà Ba đầu chít khăn mỏ quạ, quần lãnh đen bán trầu cau ngay giữa chợ. Bà bày mớ trầu, cau, vôi... đủ thứ hầm bà lằng trên tấm bạt nhựa lên mặt đất. Miệng bà lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ai tới mua, bà nhổ cái bẹt vô ống quyển, vén quần chùi mép: "Mua đi mua đi, trầu cau tao tươi nhất chợ này. Đảm bảo xứ này không có chỗ tươi tốt bằng đâu". Lỡ ai trề môi méo miệng chê trầu héo, cau khô, trời ơi bà chửi... không đẹp không ăn tiền. Miệng tuy dữ nhưng bà tốt tánh vô cùng. Tôi hay ghé vô chào, bà ngước lên nheo mắt nhìn rồi ha hả cười, khi nhận ra thằng út mồm năm miệng mười của con Tuyết.
Dì Hai bán giấy tiền vàng bạc, nhang đèn luôn tủm tỉm cười, hiền lành lắm. Dì nói năng nhỏ nhẹ, thầm thì bên tai giữa phiên chợ đông, như sợ người ta nghe hết bí mật nhà nghề của mình. Ngày thường dì bán lai rai. Tới rằm hay mồng một, chu cha ơi, bán không kịp trở tay ngơi nghỉ.
Bún chả cá Ninh Hòa
Những món ngon ở chợ quê nay đã được bán ở gian hàng khang trang hơn
Bà Tư bán xôi thay vì ngồi một chỗ chờ khách tới, lại thích bưng rổ đi lòng vòng mời mọc sẵn tiện tập thể dục. Bên dưới lớp lá chuối xanh um, lớp xôi trắng dẻo nhẹo còn ít thôi với mấy con tôm ram đỏ au và thịt ba chỉ kho thiệt giòn. Ai mua, bà để thúng xuống đất, lấy đôi đũa gắp cục xôi bỏ vô lá chuối, thêm con tôm, ít thịt, rồi quét lên đó lớp mỡ hẹ bóng lưỡng tươi xanh rồi mới rưới muối mè lên. Cho con thêm chút muối nữa đi. Mồ tổ cha bây, ăn mặn dữ đa. Nói vậy thôi chứ xin năm muỗng bà cũng cho hết.
Chưa hết, hàng chè của mợ Y ngọt béo đến muỗng cuối cùng. Chè khoai sáp, khoai sọ với nếp dẻo dính tận chân răng; thau đậu ván nước óng vàng thanh tao bùi ngọt; chè bột lọc có hai loại nhân gồm đậu xanh và đậu phộng trắng ngần trôi hờ hững; xoong trôi nước với mấy viên mập ù vàng chóe nằm chễm chệ bên hàng trăm viên nhỏ có gừng thơm lừng ấm bụng; chè chuối sứ vừa chín tới nấu với dây bằng bột năng kèm nước cốt dừa béo ngậy luôn bán hết sớm nhất.
Cạnh bên là hàng sương sa hột lựu của chị Thu. Ly chè mấy ngàn bạc, đủ thứ sắc màu, mùi vị. Nào là sương sa, xu xáo, hột lựu đo đỏ, đậu xanh đánh, bông tuyết kèm nước cốt dừa và đường thắng mịn.
Hàng đậu nành, rau má, đậu xanh của dì Nhẫn với ba xoong to bữa nào cũng hết sạch. Đậu nành với rau má thì ai cũng biết rồi, nước đậu xanh chắc không nhiều người được thưởng thức. Nó được nấu bằng đậu xanh, nước dừa, đường cát với lá dứa thôi, vậy mà cái vị beo béo, thanh tao, đậm đà ấy cứ mãi quẩn quanh trong tiềm thức của những ai đôi lần ghé bước. Ngoài nước giải khát, dì còn bán bánh đậu xanh, bánh dừa nướng xắt khúc nho nhỏ thơm lừng. Nghĩ tới còn thèm nhỏ dãi.
Những món chè đủ màu sắc từng là một trời tuổi thơ của nhiều người
Xây lại chợ, mất hút vết quê
Khi chợ bắt đầu xập xệ. Mỗi lần mưa nước từ hàng cá chảy ngược lên hôi hám vô cùng. Thế là quyết định xây mới bắt đầu. Trong vòng ít tháng, khu chợ mới to vật vã mọc lên. Hàng bánh kẹo, vải vóc, áo quần, giày dép, kim chỉ sạch sẽ được xếp lô về bên đó. Còn cá mắm, la gim, rau củ, đường đậu, trái cây, lẫn ăn uống, mấy thứ nặng mùi được giữ lại bên này. Và từ sự phân chia ấy, niềm thương nỗi nhớ lẫn duyên buôn bán của vài hàng bị rơi vãi, mất mát, không còn được như xưa.
Có người đang bán buôn thiệt đông, khách tới nườm nượp, thế là bị phân lô vô trong góc khuất nên ngồi đuổi ruồi cả ngày, ế ẩm. Có chị trước kia lạy ông đi qua lạy bà đi lại, quanh năm suốt tháng bán chẳng được nhiêu, đang tính dẹp hàng, đổi nghề khác rồi, đùng cái như lên hương, tiền vô như nước. Nhiều người mở rộng gian hàng cũng đồng nghĩa với nhiều người đổ nợ, bỏ trốn đi xa, biệt tăm biệt tích không một lần về thăm quê cũ.
Mười tám tuổi, tôi xa quê, tạm biệt nghề làm đường, giao bắp, bánh kẹo lẫn từng phiên chợ ngày nắng khô khan, gió mưa ế ẩm hay bảy ngày bán Tết ăn chợ ngủ đường, bỏ những khuôn mặt thân quen của các bạn hàng để đi tìm cuộc đời mới rỡ ràng hơn trước. Nhưng tôi không bỏ được cái chất ồn ào, đanh đá của từng buổi chợ đã ăn sâu vào mình từ tuổi lên năm và mười ba năm dài gắn bó.
Chuối nếp nướng được bọc trong lá chuối nướng trên than hồng thơm lựng
Mỗi lần về ra chợ, vẫn nhớ như in từng gian hàng to nhỏ, tên mỗi bà bạn hàng năm nào giờ lên chức mẹ, bà, cháu con đùm đề, thay phiên nhau bán. Đứng lại, hỏi thăm đôi điều bốn chuyện, nhắc lại mấy kỷ niệm xưa.
Hàng cải chua ở chợ Ninh Hòa
Dì Há, dì Tâm bỏ nghề, không còn bán buôn gì nữa. Ước mơ được ăn chục tô phở bự của tôi lại chìm vào dĩ vãng nữa rồi. Bà Phán đã về với miền vĩnh cửu. Bà Ba trầu đã về cõi Niết. Chợ Dinh chẳng còn ai bán hàng trầu to đùng mà gom vào thúng nhỏ bưng đi....
Mấy cái chợ quê cũ kỹ, bốc mùi cá mắm ấy dường như bất biến trước biển cả hóa nương dâu. Vật đổi sao dời, chợ được xây mới to hơn, người già năm cũ mất đi, nhưng linh hồn không bao giờ biến mất. Muốn biết cuộc đời ai ngang dọc, trúng số độc đắc hay số ba chân, người nào đổ nợ đổ nần, sang giàu xây cửa mua nhà, Việt kiều về cứ ra chợ quê, đi tới đi lui, ngó ngược ngó xuôi, tai dỏng lên nghe, chút là rành hết.
Chợt nghĩ, nếu tôi không rời Việt Nam sang Mỹ, biết đâu ngoài cái nghề đứng bục giảng trầm ấm truyền kiến thức cho bao lớp đàn em, tôi vẫn tiếp tục nghề của má năm xưa, đi bán đường, bỏ bánh. Chiều xách giỏ đi thu tiền hàng, sáng chở cả giỏ đồ ra bỏ mối. Lớn rồi, chắc không dữ dằn, hung hỗn mà thay vào đó là nụ cười toe toét, thân thiện...
Muốn biết cuộc đời ai ngang dọc, trúng số độc đắc hay số ba chân, người nào đổ nợ đổ nần, sang giàu xây cửa mua nhà, Việt kiều về cứ ra chợ quê, đi tới đi lui, ngó ngược ngó xuôi, tai dỏng lên nghe, chút là rành hết. |
Theo thanhnien