1. Thành phần dinh dưỡng của nước hầm xương
Nước hầm xương là một sản phẩm súp bổ dưỡng, có hàm lượng protein cao vừa phải, ít calo, carbohydrate và chất béo. Theo cơ sở dữ liệu thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một khẩu phần gồm một cốc (khoảng 200ml) nước hầm xương bò có chứa:
- 14 calo
- Chất béo 0g
- Carbohydrate 0g
- Protein 3g
Để so sánh, một ví dụ về protein lắc từ cùng một cơ sở dữ liệu chứa khoảng 8g protein nhưng cũng có 216 calo, 4g chất béo và 24g carbohydrate.
Sự tương phản này khiến nhiều người tự hỏi liệu nước hầm xương có phải là sự thay thế phù hợp cho protein lắc trong chế độ ăn uống của họ hay không và liệu có thể thay thế nước hầm xương cho cả bữa chính hoặc bữa ăn nhẹ hay không.
Theo BS. Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, xương động vật chứa một lượng lớn các chất khoáng cũng như 17 acid amin khác nhau, collagen và gelatin. Mặc dù ở mỗi loại xương khác nhau có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, thời gian nấu và cách nấu khác nhau nhưng đều chứa các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Tuy nước hầm xương chứa một số vitamin và khoáng chất thiết yếu, chẳng hạn như sắt, kali, canxi nhưng nước hầm xương lại là món ăn chứa nhiều natri. Một khẩu phần 200ml nước luộc xương bò nêu trên cũng có 470mg natri. Điều này gây ra vấn đề cho những người có nguy cơ bị tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch khác.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế lượng natri tiêu thụ không quá 2.300mg mỗi ngày, với 1.500 mg thậm chí còn lý tưởng hơn, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Do đó, người thích uống nước hầm xương hàng ngày hãy chọn loại natri thấp hoặc không thêm muối. Ngoài ra, nên tự nấu nước hầm xương tại nhà và hạn chế lượng muối thêm vào để kiểm soát hàm lượng natri.
2. Nước hầm xương có thể thay thế bữa ăn được không?
Nước hầm xương là nguồn cung cấp collagen và acid amin nhưng lượng này không thể thay thế cho bữa ăn bình thường. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy nước hầm xương khó có thể là nguồn cung cấp collagen và acid amin tốt để hỗ trợ các lợi ích sức khỏe cho cơ thể. Tốt nhất không nên dùng nước hầm xương để thay thế bữa ăn vì đây không phải là nguồn dinh dưỡng đáng kể. Nó có một lượng protein nhưng không giàu vitamin, khoáng chất, carbohydrate hoặc chất béo tốt để cung cấp năng lượng cho ngày.
Mặc dù hàm lượng nước cao trong nước dùng có thể khiến cảm thấy no lúc đầu nhưng sau đó có cảm giác đói nhanh chóng và dễ bị đầy bụng. Vì vậy, tốt nhất chỉ nên dùng nước hầm xương để bổ sung vào bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ thay vì thay thế bữa ăn. Hoặc tốt hơn hết, hãy thay nước lọc thường dùng để nấu ăn bằng nước hầm xương cho một số món ăn.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nước hầm xương không nên thay thế việc ăn thịt, thịt gia cầm, hải sản hoặc cá vì những thực phẩm này có hàm lượng protein và chất dinh dưỡng khác cao hơn nhiều. Nước hầm xương có 3g protein mỗi cốc, trong khi một khẩu phần 100g ức gà chứa gần 20g protein. Vì vậy, ăn thịt chứa nhiều protein sinh học hơn cho cơ thể.
Ngoài ra, việc thay thế thịt và các nguồn protein động vật khác bằng nước hầm xương sẽ làm mất đi chất sắt cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu khác mà thịt cung cấp. Nước hầm xương có thể là một món ăn nhẹ ngon nếu kết hợp với nguồn carbohydrate giàu chất xơ và nguồn chất béo lành mạnh. Ví dụ, nước hầm xương kết hợp với cần tây và hummus tạo nên một món ăn nhẹ cân bằng và bổ dưỡng giúp bổ sung nước.
Tuy nhiên, không nên thay thế bữa ăn bằng nước hầm xương ngay cả với người đang ăn kiêng vì nó chứa quá ít calo và dễ dẫn đến giảm cân không lành mạnh.
Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và tư vấn Dinh dưỡng, so với các thực phẩm khác như sữa, trứng, cá, các loại hạt... thì các chất khoáng như canxi, magie trong nước hầm xương nghèo nàn hơn nhiều. Bên cạnh đó các chất như phốt pho, cholesterol trong nước xương hầm lại cao và điều này không tốt cho sức khỏe một số đối tượng như: trẻ nhỏ, người mỡ máu cao, người bệnh vẩy nến, bệnh nhân suy giảm chức năng thận...
3. Có thể giảm cân bằng cách uống nước hầm xương?
Thực tế, không có nhiều nghiên cứu chất lượng cao về việc liệu nước hầm xương có thể giúp giảm cân hay không, vì vậy cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về lĩnh vực này. Tuy nhiên, không sử dụng nước hầm xương để thay thế hoàn toàn các bữa ăn chính hoặc đồ ăn nhẹ lành mạnh khác. Việc giảm cân cần có một quá trình lâu dài, kết hợp chế độ ăn kiêng phù hợp với kế hoạch tập luyện đúng cách.
Khi kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng, điều độ và phù hợp về mặt calo dựa trên yêu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng cá nhân, nước hầm xương có thể hữu ích trong việc hỗ trợ giảm cân.
Việc sử dụng nước hầm xương hằng ngày còn có một tác dụng phụ khác là giảm cảm giác thèm ăn bởi nó chứa hàm lượng protein cao. Do hàm lượng protein thường cao hơn nên tiêu thụ nước hầm xương mang lại cảm giác no hoặc hài lòng sau bữa ăn, từ đó có thể ngăn ngừa việc ăn quá nhiều và giảm bớt cảm giác thèm đường. Đây cũng là một loại thực phẩm ít calo, có thể hữu ích cho những người cần giảm bớt calo để giảm cân.
BS. Liên Hương cho biết, chỉ nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, 2-3 lần/tuần là đủ để có được đầy đủ những lợi ích về mặt sức khỏe và dinh dưỡng. Ngoài ra, cũng nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc sử dụng nước hầm xương sao cho phù hợp với thể trạng của cơ thể mình.
Theo suckhoedoisong.vn