Đậu nành có thật ‘vi diệu’ như một số nghiên cứu kết luận? – Shutterstock
Năm 1999, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đồng ý với tuyên bố đậu nành và protein có nguồn gốc từ nó có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim. Điều này dựa trên nhiều thập niên nghiên cứu hỗ trợ mối liên hệ giữa đậu nành và các đặc tính làm giảm cholesterol - đặc biệt là cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), thường được gọi là cholesterol "xấu” vì nó làm tắc nghẽn tĩnh mạch - của đậu nành.
Nhưng cộng đồng khoa học lại không đạt được sự đồng thuận chung. Từ 1999, nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra mức độ bảo vệ sức khỏe tim mạch của đậu nành trong một số nghiên cứu không “vi diệu” như tuyên bố nói trên.
Ví dụ, năm 2006, giáo sư phòng chống bệnh tim mạch của Harvard (Mỹ) Frank Sacks, đã giúp tiến hành đánh giá 22 nghiên cứu cho thấy đậu nành hạ thấp mức cholesterol LDL không đáng kể. Ông nói: “Protein đậu nành làm giảm cholesterol LDL, nhưng nó lại là một điều vô nghĩa”. Cụ thể, đậu nành chỉ làm giảm cholesterol khoảng 3%. Nếu ăn thực phẩm như thịt đỏ, làm tăng mức cholesterol, thì đậu nành không đủ để loại bỏ nó, theo Discover Magazine.
Năm 2017, FDA hạ mức độ tuyên bố trước, trích dẫn bằng chứng cho thấy sự không nhất quán giữa các nghiên cứu.
Giờ đây, một bài báo mới xuất bản trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ (JAHA) đang thách thức cơ sở của quyết định của FDA. Xem xét cùng các báo cáo mà FDA đã phân tích năm 2017, nhóm nghiên cứu Đại học Toronto (Canada) phát hiện ra khoa học đã luôn ủng hộ tuyên bố rằng đậu nành có tác động đến mức cholesterol và do đó, cả sức khỏe tim mạch.
David Jenkins, giáo sư dinh dưỡng và là tác giả chính của bài báo trên JAHA vừa kể, không đồng ý với lập trường cho rằng tác động sức khỏe từ đậu nành quá nhỏ. Vị này khẳng định: “Từ năm 1999, không có giai đoạn nào, không có thời gian nào mà trong đó các nghiên cứu tích lũy chỉ ra bất kỳ hướng nào khác”. Trong gần như mọi nghiên cứu Jenkins và đồng sự đã phân tích, họ thấy đậu nành có tác dụng có lợi, có ý nghĩa đối với mức LDL và cholesterol toàn phần.
Tuy nhiên, theo Discover Magazine, có lý do khác ẩn sau những phát hiện mới kia. Nghiên cứu của Đại học Toronto được tài trợ bởi một số nhóm có mối quan hệ với ngành công nghiệp đậu nành khiến người ta đặt câu hỏi mặc dù kiểu tài trợ này không phải điều gì bất thường.
Giáo sư Frank Sacks nói hầu hết các nghiên cứu lĩnh vực dinh dưỡng được tài trợ bởi ngành công nghiệp. Ông không đồng ý rằng tất cả nghiên cứu ấy là xấu nhưng là tình huống nan giải.
Nói qua nói lại thì các nhà khoa học vẫn chưa đồng ý rằng đậu nành là một siêu thực phẩm thần kỳ cứu vớt trái tim nhưng cũng không ai nói rằng đậu nành có hại cho bạn. Do vậy, đừng “thần kỳ hóa” nó.
Theo thanhnien