Mới đây, bác sĩ Tôn Nhất Hồng, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm đặc biệt, Bệnh viện (BV) TP Ninh Ba, Trung Quốc, cảnh báo: Uống sữa đậu nành tự xay tại nhà theo phương pháp thực dưỡng đang được đông đảo phụ nữ áp dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại. Đậu nành rất giàu estrogen thực vật. Đối với phụ nữ có lượng estrogen thấp, uống sữa đậu nành với một lượng vừa phải sẽ rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, ở chị em có lượng estrogen tương đối cao, nếu uống liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ung thư.

Ảnh minh họa.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số bệnh nhân sử dụng sữa đậu nành trong thời gian dài bị tác động xấu. Đơn cử, bệnh nhân tên Lý, 45 tuổi, rất quan tâm đến phương pháp thực dưỡng nên tự chế biến sữa đậu nành và uống liên tục trong gần 3 năm. Khi thấy trong người có nhiều biểu hiện lạ, bà đến BV kiểm tra sức khỏe thì phát hiện bị ung thư vú. Kết quả đo estrogen của bà cao gấp nhiều lần so với người bình thường.

Cũng theo cảnh báo của bác sĩ Tôn Nhất Hồng, mặc dù tốt cho sức khoẻ nhưng sữa đậu nành cũng như các thực phẩm khác nếu dùng nhiều sẽ vô cùng nguy hiểm.

“Nạp” ở mức vừa phải

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K Trung ương, đậu nành là 1 trong nhiều thực phẩm chứa “kích thích tố nữ” estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối sự phát triển sinh dục của phụ nữ. Trong thời kỳ còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kỳ mãn kinh, buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa và gây ra thay đổi tâm sinh lý trong người phụ nữ. “Tuy nhiên, thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa 1 chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung là không có cơ sở”, GS.TS Nguyễn Bá Đức khẳng định.

Xét về góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ: Nhiều người thắc mắc bệnh nhân ung thư vú phải điều trị nội tiết tố để cắt giảm estrogen nhưng có thông tin cho rằng, ăn đậu nành tốt cho sức khỏe, trong khi đậu nành lại kích thích sản sinh estrogen. Thực tế, nội tiết tố có tác dụng làm đẹp, estrogen có vai trò quan trọng giúp phụ nữ đẹp hơn. Dùng nội tiết tố là “con dao 2 lưỡi”: Đẹp hơn nhưng có thể gây ung thư vú. Còn estrogen nguồn gốc thực vật không có tác dụng phụ, ngăn ngừa loãng xương.

Với những phụ nữ gầy ốm, thiếu estrogen thì sữa đậu nành là thực phẩm bổ sung estrogen rất tốt, giúp da dẻ hồng hào. Song, với người béo, có nguy cơ cao bị ung thư vú thì không nên sử dụng nhiều, chỉ tiêu thụ lượng thức ăn từ đậu nành ở mức vừa phải.

Còn lương y Vũ Quốc Trung, phòng Chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm ứng, Hội Đông y TP Hà Nội, cho rằng, nếu dùng đậu nành đơn thuần kéo dài thì không nên dùng liều cao, vì ăn quá nhiều sẽ sinh nghẽn khí, sinh đàm, gây ho, làm nặng người, mặt vàng.

Theo nhiều chuyên gia, các dữ kiện khoa học công bố trong thời gian gần đây cho thấy, dùng khoảng 30-40mg/ngày (tức khoảng 1 ly sữa đậu nành/ngày) là an toàn.

Lệ Hà