Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

leftcenterrightdel
 Bộ Y tế đã đề xuất một số nội dung hỗ trợ phụ nữ sinh con và sinh đủ 2 con

Bộ Y tế cho biết, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con: bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích; thực hiện đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế... đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.

Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như sau:

Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: hỗ trợ nam nữ thanh niên kết bạn, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn, khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi…

Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ: chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của phụ huynh, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.

Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ 2 con: tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình.

Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…

Xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình…; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Theo Bộ Y tế, một số tỉnh, thành thuộc vùng có mức sinh thấp và mức sinh thay thế đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với tập thể, cá nhân như: khen, thưởng tiền cho các tập thể là xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Mới đây nhất, tại dự luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10.2025, Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu đưa một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Tổng tỷ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm: 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) - mức giảm thấp nhất từ năm 2006 trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Đông Nam bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước: bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.

Có 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước. Hầu hết là những tỉnh, thành nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Theo Thanh niên