leftcenterrightdel
 Tuần này, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế - mức báo động cao nhất mà cơ quan của Liên hợp quốc có thể đưa ra.

Ngày 14/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trước tình trạng các ca bệnh gia tăng và lan rộng ra ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi loại virus này đang lưu hành.

Hơn 18.700 ca bệnh - và hơn 540 ca tử vong - đã được báo cáo trong năm nay tại Châu Phi, cao hơn cả năm 2023. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn lục địa.

Các nhà lãnh đạo y tế cho biết việc không thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia châu Phi đang trong tâm dịch đậu mùa khỉ (mpox) sẽ khiến thế giới gặp nguy hiểm và gây tổn hại đến công tác chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.

Theo tiến sĩ Ebere Okereke, cộng sự trong chương trình y tế toàn cầu tại Chatham House, cả 2 tuyên bố của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đều mang đến cơ hội để kiểm tra phản ứng toàn cầu đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong thời kỳ hậu COVID-19, để chứng minh rằng các bài học về công bằng đã được rút ra.

Phản ứng đối với đại dịch COVID-19 đã làm tổn hại mối quan hệ giữa các quốc gia giàu và nghèo. Các nguồn lực bao gồm vắc-xin, xét nghiệm mất nhiều thời gian hơn để đến được các nước đang phát triển so với các nước giàu.

Vấn đề công bằng đã chứng minh là một điểm then chốt gây tranh cãi - bao gồm cách các nước đang phát triển sẽ được đảm bảo tiếp cận thuốc men và điều trị để đổi lấy những nỗ lực thu thập thông tin về các tác nhân gây bệnh lưu hành trong lãnh thổ của họ.

Okereke cho biết cách cộng đồng toàn cầu phản ứng với các tuyên bố này sẽ là "phép thử hiệu quả tiềm tàng của một hiệp ước phòng chống đại dịch trong tương lai".

Một nhân viên y tế tại một trung tâm điều trị mpox ở Munigi, miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Moses Sawasawa/AP
Một nhân viên y tế tại một trung tâm điều trị mpox ở Munigi, miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Moses Sawasawa/AP

Hoa Kỳ cho biết sẽ tặng 50.000 liều vắc- xin Jynneos chống lại mpox cho DRC. Nhưng về lâu dài, các nhà lãnh đạo y tế tại Africa CDC cho biết sẽ cần một chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm cả sản xuất trên lục địa này.

Phải chuẩn bị cho nhiều ca mắc bệnh mpox hơn

Ngày 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các quốc gia thành viên chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều trường hợp nhiễm chủng virus mpox gây chết người hơn nữa, một ngày sau khi Thụy Điển thông báo về trường hợp đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Trong đánh giá rủi ro, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho biết rủi ro chung đối với dân số nói chung ở EU và Khu vực Kinh tế Châu Âu (EAA) - tổng cộng 30 quốc gia - là "thấp".

ECDC cho biết họ "khuyến nghị các cơ quan y tế công cộng ở EU/EEA duy trì mức độ lập kế hoạch phòng ngừa và các hoạt động nâng cao nhận thức để có thể phát hiện bệnh và ứng phó nhanh chóng".

Cơ quan y tế có trụ sở tại Stockholm cho biết "khả năng cao" sẽ có thêm nhiều ca nhập khẩu vào châu Âu.

Bệnh truyền nhiễm này do một loại vi-rút lây truyền từ động vật sang người nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần.

Bệnh này gây sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt.

Hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic đang tìm kiếm sự chấp thuận của châu Âu để sử dụng vắc-xin mpox cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Theo phụ nữ TPHCM