|
|
Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngon và đủ giấc luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Ảnh:CNN. |
Là cha mẹ mới, bạn có thể băn khoăn về giấc ngủ của con mình. Em bé có thể khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Có thể trẻ chỉ chợp mắt trong thời gian ngắn, thức dậy nhiều lần giữa đêm. Bạn cũng có thể lo lắng con không ngủ đủ giấc.
Dưới đây là những quan niệm sai lầm về giấc ngủ của trẻ sơ sinh có thể bạn đã từng nghe và thậm chí vẫn nghĩ là đúng.
Nếu ngủ ngày quá lâu, con bạn sẽ thức cả đêm
Sự thật: Điều này hầu như không đúng sự thật. Theo tạp chí Today's Parents, trẻ sơ sinh cần ngủ rất nhiều, có một số trẻ ngủ tới 18 giờ/ngày. Tùy thuộc vào độ tuổi và giai đoạn, hầu hết trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không nên thức lâu hơn 2-2,5 giờ mỗi lần và nên ngủ 3-5 giờ/lần trong tổng số giờ ngủ ban ngày. Tốt nhất là cha mẹ không nên đánh thức con khi trẻ ngủ vào ban ngày.
Trẻ sơ sinh thức giấc giữa đêm có nghĩa là chúng đang đói
Sự thật: Đói có thể là một trong những lý do khiến trẻ thức dậy vào ban đêm nhưng không phải trẻ nào cũng vậy. Cho đến khi em bé đã quen với thức ăn đặc, 1-2 lần thức dậy trong đêm để bú được coi là hoàn toàn bình thường và trong giai đoạn phát triển vượt bậc, em bé có thể thức dậy để bú thêm ngoài thời gian đó.
Có nhiều yếu tố khác khiến trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thức giấc ban đêm, chẳng hạn ngủ ngày quá nhiều hoặc quá ít, quá nóng hoặc lạnh, bị ốm hoặc khó chịu và không thể tự ổn định (ở trẻ lớn hơn). Nếu em bé của bạn thường xuyên thức dậy vào ban đêm và cần được bú trở lại mỗi lần để ngủ, có thể là trẻ đã phát triển mối liên hệ giữa bú và ngủ.
Nếu con bạn thức dậy nhiều hơn 2 lần/đêm nhưng không muốn bú, bạn nên xem xét các yếu tố khác có thể góp phần khiến trẻ thức giấc.
Trẻ sơ sinh sợ bóng tối
Sự thật: Trẻ sơ sinh không sợ bóng tối. Trí tưởng tượng của trẻ không phát triển cho đến khoảng 2 tuổi. Thậm chí, trong bụng mẹ, không gian tối và ồn ào, vì vậy, giống các động vật có vú khác, trẻ sơ sinh thực sự thấy bóng tối như được an ủi, an toàn và bình tĩnh hơn.
Nếu bạn có con nhỏ đang bị kích thích quá mức hoặc mệt mỏi, việc đặt chúng vào căn phòng tối đen như mực (có tiếng ồn trắng) sẽ giúp trẻ bình tĩnh. Trẻ sơ sinh không cần đèn ngủ, vì bất kỳ ánh sáng nào cũng kích thích trẻ và có thể khiến trẻ không ngủ được hoặc ngủ không sâu giấc.
|
|
Nhiều phụ huynh nhầm tưởng trẻ sơ sinh sợ bóng tối. Ảnh:Verywellfamily. |
Trẻ ăn nhiều thức ăn đặc vào bữa tối sẽ ngủ ngon suốt đêm
Sự thật: Sự cân bằng giữa sữa và thức ăn đặc thực sự quan trọng. Cho bé ăn nhiều thức ăn đặc vào bữa tối không phải là giải pháp cho việc ngăn trẻ thức giấc ban đêm. Trên thực tế, nó thậm chí có thể khiến giấc ngủ ban đêm của bé tồi tệ hơn.
Nếu trẻ dưới 10 tháng tuổi ăn quá nhiều chất đạm vào bữa tối, trẻ có thể bị thức giấc giữa đêm vì cơ thể phải vật lộn để tiêu hóa chất đạm. Tốt nhất là cha mẹ nên cho ăn dặm vào bữa trưa trước, sau đó khi trẻ đã ổn định, hãy cho ăn dặm vào bữa tối rồi đến bữa sáng. Bữa trưa là quan trọng nhất trong ngày vì chất đạm trong bữa ăn này được gan của em bé dự trữ theo cách giúp trẻ cảm thấy no suốt đêm.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không thể ngủ suốt đêm
Sự thật: Khả năng ngủ suốt đêm của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố - cân nặng, lượng sữa và thức ăn hàng ngày, môi trường ngủ của trẻ, trẻ có được quấn tã hay không (đối với trẻ nhỏ hơn), nhiệt độ trong phòng, thời lượng ngủ ngày, trẻ có thể tự ngủ được không (ở trẻ trên 4 tháng tuổi)...
Nếu tất cả yếu tố này được sắp xếp phù hợp, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi hoàn toàn có thể ngủ xuyên đêm.
Sự thật: Điều này không đúng. Theo CNN, trên thực tế, sự im lặng hoàn toàn có thể khiến bé khó ngủ. Hãy nhớ rằng bụng mẹ ồn ào, thậm chí to hơn cả máy hút bụi và chạy 24 giờ một ngày. Trong 9 tháng, trẻ được ru vào giấc ngủ bằng tiếng róc rách nhịp nhàng của máu chảy qua nhau thai. Đối với trẻ sơ sinh, sự yên tĩnh của một ngôi nhà bình thường có khi còn khó chịu hơn.
Ngoài ra, trong một căn phòng yên tĩnh, trẻ có nhiều khả năng sẽ thức giấc khi có tiếng xe tải lớn trên đường hoặc bất kỳ va chạm nào khác trong đêm phá vỡ sự im lặng đó.
Theo zingnews