Ba tháng sau khi kết hôn với Hyun Bin, nữ diễn viên Son Ye Jin thông báo mang thai con đầu lòng. Vừa bước qua tuổi 40, hai cái tên nổi tiếng hàng đầu của làng giải trí Hàn Quốc cùng tiến tới chuyện hôn nhân, con cái - những cột mốc được coi là quan trọng trong đời người.
Trước Son Ye Jin, nhiều ngôi sao cũng lần đầu làm mẹ ở độ tuổi 40. Hồi tháng 1, nữ ca sĩ Sung Yuri (41 tuổi) chào đón hai con gái sinh đôi sau 5 năm kết hôn với VĐV Ahn Sung Hyun.
Cùng tháng đó, ở showbiz Đài Loan, Lâm Chí Linh hạ sinh con trai đầu lòng ở tuổi 48. Năm 2014, nữ diễn viên Phạm Văn Phương (Singapore) chia sẻ vì mang thai khi đã bước qua ngưỡng 40, cô tuân thủ mọi yêu cầu của bác sĩ và theo dõi thai kỳ nghiêm ngặt.
Không chỉ người nổi tiếng, nhiều phụ nữ cũng chọn lần đầu có em bé ở tuổi trung niên. Với đời sống hiện đại, xu thế kết hôn muộn càng phổ biến hơn và việc làm mẹ cũng bắt đầu muộn hơn.
Sẵn sàng làm mẹ
Với Lesile - một luật sư người Mỹ - làm mẹ không phải lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Với một sự nghiệp thành công, người thân và bạn bè bên cạnh, Lesile hạnh phúc với cuộc sống vốn có.
Quan điểm của cô chỉ thay đổi đến khi gặp người bạn đời Aaron. Sau 2 năm hẹn hò, họ quyết định cố gắng có con, dù biết điều này sẽ không dễ dàng khi cả hai đều đã ngoài 40.
Theo Healthline, mặc dù phụ nữ thường được khuyên rằng tốt nhất nên có con trước 35 tuổi, dữ liệu cho thấy điều ngược lại.
Tỷ lệ sinh con sau tuổi 40 đã tăng lên đáng kể từ những năm 1970, với số lượng phụ nữ sinh con đầu lòng trong độ tuổi 40-44 đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1990-2012, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Năm 2018, cứ 1.000 phụ nữ thì có 11,8 trẻ sơ sinh ở Mỹ được mẹ hạ sinh trong giai đoạn từ 40 đến 45 tuổi. Năm 2016, số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy tỷ lệ sinh của phụ nữ từ 40 tuổi trở lên lần đầu vượt qua tỷ lệ sinh của phụ nữ dưới 20 tuổi.
|
Nữ luật sư Lesile bên bạn đời và người con chung. Ảnh:ACOG.
|
Trong báo cáo của cơ quan này, một số lý do được đưa ra để giải thích việc nhiều phụ nữ muốn làm mẹ muộn hơn, bao gồm phái nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, trình độ giáo dục của phái nữ đi lên.
Ngoài ra, một số yếu tố tác động bên ngoài có thể kể đến là thị trường việc làm gặp nhiều biến động, chi phí nhà ở và sinh con, nuôi dạy ngày càng tăng, tạo ra áp lực không nhỏ.
Theo The Guardian, còn một nguyên nhân quan trọng ít được nhắc đến khác, dù nó ảnh hưởng lớn đến thời điểm mang thai của người phụ nữ: hoàn cảnh mối quan hệ.
Nhiều phụ nữ cho biết họ không có cố tình trì hoãn việc làm mẹ. Họ chỉ đơn giản cố gắng đáp ứng các điều kiện cần thiết cho việc này. Những người này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm được người phù hợp để có con chung.
Một số đã từng ly hôn hoặc tan vỡ các mối quan hệ tình cảm ở độ tuổi 30, khi họ khao khát lập gia đình nhất. Những người khác cho biết đối phương chưa đủ cam kết gắn bó hoặc chưa muốn có con.
“Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ có con, dù giai đoạn tuổi 30 tôi vẫn không chắc chắn về điều này. Đến khi gặp người bạn trai hiện tại, tôi biết tôi muốn bắt đầu cuộc sống gia đình, tức là có con chung với nhau”, Julia Knight (41 tuổi), đến từ Devon (Anh), nói với The Guardian.
|
Ở độ tuổi trung niên, nhiều phụ nữ sẵn sàng có con khi họ đã có sự chín chắn, công việc, tài chính ổn định. Ảnh:SMH.
|
Chung suy nghĩ, Louise Chidgey (45 tuổi) cho hay tuổi tác cao khi mang thai là điều đáng ngại, song nó không trở thành nỗi lo sợ, ngăn cản cô làm mẹ.
“Khi bạn bè của tôi bắt đầu có con ở tuổi còn trẻ, tôi vẫn độc thân và rong ruổi khắp nơi. Họ nghĩ cuộc sống của tôi thật tự do, nhưng thâm tâm tôi vẫn muốn có con. Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi vẫn rất vui vì khoảng thời gian tuổi trẻ đó.
Ở độ tuổi 30, tôi vẫn muốn có mặt tại những buổi tiệc và không biết liệu mình đã sẵn sàng để có em bé chưa. Giờ trưởng thành hơn, tôi tự tin vào bản thân về chuyện làm mẹ. Tôi có thể tận hưởng thời gian với con trai nhiều hơn. Cơ hội nghề nghiệp chỉ đến vào những năm 20-30 tuổi và tôi rất vui vì mình đã không bỏ lỡ điều đó”, Louise cho biết.
Lợi ích và rủi ro
Thực tế, có cả lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi một người quyết định mang thai ở tuổi ngoài 40, dù là sinh nở lần đầu hay lần 2-3.
Theo nghiên cứu của The North American Menopause Society năm 2015, phụ nữ sinh con muộn có thể sống thọ hơn.Việc có con ở độ tuổi sau 40 là bằng chứng cho thấy hệ thống sinh sản lão hóa chậm hơn so với những phụ nữ khác. Mối quan hệ giữa sinh con và tuổi thọ đúng với hầu hết phụ nữ có 3 con.
|
Ở độ tuổi 40, việc mang thai một đứa bé khỏe mạnh là hoàn toàn có thể, sức khỏe của thai phụ mới là điểm đáng lưu ý. Ảnh:Very Well Family.
|
Còn theo tạp chí Parents, việc có con muộn có thể giúp phụ nữ nhận thức tốt và trí nhớ sắc bén hơn khi về già. Kết luận này được đưa ra dựa trên một loạt bài kiểm tra các hoạt động khác nhau của não bộ với 830 phụ nữ trung niên.
Nghiên cứu trên tạp chí European Journal of Development phát hiện những bà mẹ lớn tuổi thường kiên nhẫn hơn. Họ ít la mắng hoặc đánh đập con cái. Thông thường, ở độ tuổi này, phụ nữ không có thai tình cờ. Do đó, họ ổn định hơn về mặt cảm xúc và tâm lý để sẵn sàng cho những thay đổi khi mang thai và sinh con.
Ở tuổi 40, hầu hết phụ nữ đã có sự nghiệp ổn định, bớt lo lắng về vấn đề công việc hoặc thu nhập. Nhờ đó, họ có thể tập trung và dành nhiều thời gian vào việc chăm sóc em bé. Ổn định về tài chính cũng giúp phụ nữ giảm bớt căng thẳng với sự xuất hiện của một đứa trẻ.
Mặc dù có nhiều lợi thế, mang thai sau tuổi 40 cũng đối mặt nhiều rủi ro. Càng lớn tuổi, phụ nữ càng khó có cơ hội mang thai. Sau 32 tuổi, khả năng sinh sản của nữ giới bắt đầu thấp đáng kể do số lượng và chất lượng trứng giảm, đi kèm là nguy cơ sẩy thai cao hơn.
Phụ nữ lớn tuổi sinh con có thể tăng khả năng mắc bệnh loãng xương khi về già. Theo tạp chí Health, nữ giới sinh con sau 35 tuổi có nguy cơ bị bệnh này cao gấp đôi so với những người sinh sớm. Do đó, nếu mang thai ở độ tuổi này, người mẹ cần chú ý bảo vệ xương.
Theo Zing