leftcenterrightdel
 Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đổ mồ hôi đêm. Ảnh:Pexels

Đổ mồ hôi là cách tự nhiên của cơ thể để cố gắng hạ nhiệt. Mọi người, bao gồm cả trẻ em, có thể đổ mồ hôi trong ngày để phản ứng với những thứ bình thường như nhiệt, tập thể dục và quần áo. Việc đổ mồ hôi ban đêm có thể xảy ra ngay cả khi phòng không quá ấm.

Đổ mồ hôi ban đêm phổ biến cho cả trẻ em và người lớn và thường không có nguyên nhân trực tiếp. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng khác xuất hiện, đổ mồ hôi ban đêm có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Vì sao trẻ đổ mồ hôi đêm?

Theo Healthline, đổ mồ hôi ban đêm thường gặp ở trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Trẻ ngủ với quá nhiều chăn hoặc nhiệt độ phòng ngủ quá ấm có thể khiến tình trạng đổ mồ hôi ban đêm trở nên tồi tệ hơn.

Đôi khi, chứng đổ mồ hôi ban đêm ở trẻ em xảy ra mà không có lý do gì cả. Trẻ nhỏ có nhiều tuyến mồ hôi. Ngoài ra, cơ thể bé nhỏ của chúng vẫn chưa học được cách cân bằng nhiệt độ cơ thể thành thạo như cơ thể người lớn. Điều này có thể dẫn đến đổ mồ hôi vào ban đêm mà không có lý do gì cả.

Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe cơ bản có thể khiến trẻ bị đổ mồ hôi đêm, bao gồm:

- Cảm lạnh thông thường: Trẻ bị đổ mồ hôi vào ban đêm có thể là do chúng đang chống chọi với cảm lạnh - căn bệnh nhiễm virus vô hại. Trẻ em dưới 6 tuổi có khả năng bị cảm lạnh cao nhất. Các triệu chứng thường kéo dài hơn một tuần. Trẻ có thể có các triệu chứng cảm lạnh khác như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, tắc nghẽn xoang, viêm họng, ho, đau nhức cơ thể.

- Sợ hãi ban đêm: Chứng sợ hãi ban đêm xảy ra khi trẻ gặp ác mộng dữ dội trong lúc ngủ. Mặc dù nỗi sợ hãi là rất thực, trẻ em thường sẽ không nhớ những giấc mơ khi chúng thức dậy.

Trẻ em bị ác mộng thường đổ mồ hôi rất nhiều, kèm theo đó là hành động lăn lộn trên giường, thậm chí có thể kêu hoặc la hét. Các dấu hiệu khác là ngồi thẳng, khó chịu hoặc thở dồn dập. Nếu con bạn xuất hiện những triệu chứng này, chứng sợ hãi ban đêm có thể là nguyên nhân khiến chúng đổ mồ hôi ban đêm.

- Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSAS): Theo Webmd, trẻ em đổ mồ hôi ban đêm kèm theo ngáy, thở bằng miệng và ngủ không yên giấc có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSAS). Đây là vấn đề về hô hấp xảy ra khi trẻ đang ngủ và khiến trẻ ngủ không yên.

Trẻ em bị OSAS sẽ thức dậy không cảm thấy mệt mỏi, đau đầu do nghỉ ngơi không đúng cách. Những trẻ này cũng có thể tăng cân hoặc chậm lớn hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Do chúng không ngủ đúng cách, điều này có thể dẫn đến kết quả học tập kém hoặc các vấn đề về hành vi.

- Thay đổi nội tiết tố: Trẻ lớn hơn có thể đổ mồ hôi ban đêm do thay đổi nội tiết tố. Tuổi dậy thì có thể bắt đầu sớm nhất là 8 tuổi ở trẻ em gái và 9 tuổi ở trẻ em trai. Dậy thì có thể gây ra nhiều mồ hôi tổng thể hơn hoặc chỉ bắt đầu đổ mồ hôi vào ban đêm.

Sự khác biệt là bạn có thể nhận thấy mùi mồ hôi ở trẻ. Nếu trẻ bắt đầu có mùi cơ thể, nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm có thể là dậy thì.

leftcenterrightdel
 Trẻ nhỏ có nhiều tuyến mồ hôi và cơ thể chưa cân bằng nhiệt tốt như người lớn. Ảnh:Healthline. 

- Phổi nhạy cảm hoặc bị viêm: Viêm phổi quá mẫn (HP) là loại viêm phổi gây sưng và đỏ tương tự dị ứng. Nó có thể xảy ra do hít phải bụi hoặc nấm mốc.

Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị tình trạng này. HP có thể trông giống viêm phổi hoặc nhiễm trùng ngực, nhưng nó không phải là bệnh nhiễm trùng và sẽ không thuyên giảm khi dùng kháng sinh.

HP có thể bắt đầu từ 2 đến 9 giờ sau khi hít thở bụi hoặc nấm mốc. Các triệu chứng thường tự biến mất sau 1-3 ngày khi loại bỏ được thủ phạm gây bệnh. HP phổ biến hơn ở trẻ em bị hen suyễn và các bệnh dị ứng khác.

Cùng với đổ mồ hôi ban đêm, con bạn có thể có các triệu chứng như ho, khó thở, ớn lạnh, sốt, mệt mỏi.

- Bệnh bạch cầu hoặc ung thư: Một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây đổ mồ hôi ban đêm là bệnh bạch cầu hoặc một số loại ung thư khác. Trong một cuộc khảo sát, hơn 30% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu có triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm nghiêm trọng.

Sự khác biệt với chứng đổ mồ hôi ban đêm là trẻ có thể thức dậy ướt đẫm mồ hôi và không thể hạ nhiệt. Quần áo hoặc ga giường có thể bị thấm nước hoàn toàn đến mức không thể tiếp tục ngủ.

Các triệu chứng khác cần chú ý nếu con bạn đổ mồ hôi ban đêm nghiêm trọng là: Sốt, ho, tiêu chảy, sụt cân, triệu chứng giống cúm, ăn không ngon, mệt mỏi, chảy máu mũi, đau xương.

Làm gì khi trẻ bị đổ mồ hôi đêm?

Để trẻ cảm thấy thoải mái và giảm đổ mồ hôi ban đêm, cha mẹ nên:

- Giữ phòng ngủ của trẻ ở nhiệt độ mát mẻ hoặc sử dụng quạt vào ban đêm.

- Mặc cho con bộ đồ ngủ hút ẩm.

- Đặt túi chườm mát dưới gối để giữ mát đầu.

Ngoài ra, cha mẹ nên cố gắng để trẻ tránh tập thể dục quá sát giờ đi ngủ để giúp con đi ngủ có cảm giác mát mẻ.

Mặc dù đổ mồ hôi ban đêm thường không có gì đáng lo ngại, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu thấy tình trạng này xảy ra thường xuyên hoặc trẻ có thêm nhiều dấu hiệu khác. Các nghiên cứu cho thấy trẻ đổ mồ hôi ban đêm có nhiều khả năng mắc bệnh về đường hô hấp hoặc vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ. Những đứa trẻ này cũng dễ nổi nóng đột ngột hoặc hiếu động.

Theo zingnews