Sữa mẹ giàu dưỡng chất

Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tăng cường đầu tư cho các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả, chi phí thấp có thể cứu được mạng sống cho trẻ và phòng chống thấp còi.

Suy dinh dưỡng và tử vong trẻ em có thể phòng chống được bằng các giải pháp tương đối đơn giản và không quá tốn kém. Bổ sung sắt giúp trẻ tăng cường khả năng phòng bệnh, giảm tử vong mẹ khi sinh, góp phần dự phòng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân.

Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng khả năng sống còn của trẻ lên đến 6 lần. Ăn bổ sung đúng thời điểm và hợp lý giúp trẻ tăng trưởng đúng tiềm năng, không bị thấp còi. Vitamin A phòng mù lòa và giảm nguy cơ tử vong của trẻ do các bệnh thông thường. Kẽm và thực hành vệ sinh phòng tử vong của trẻ do tiêu chảy.

Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ - Ảnh 2.

Sữa mẹ có đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ nhỏ.

Theo Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa mẹ có rất nhiều thành phần dinh dưỡng quý giá cho sự phát triển của trẻ nhỏ, bao gồm:

Protein: Sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nhưng có đủ các loại Acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối và dễ hấp thu vì vậy rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành.

Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa (Whey protein) (Tỷ lệ whey/casein = 80/20 và có thể thay đổi đến tỷ lệ 60/40 trong quá trình điều tiết sữa) nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ; còn protein trong sữa bò chủ yếu là casein (85%) nên khi vào dạ dày của trẻ nhỏ sẽ tạo thành các cục đông vón làm trẻ khó tiêu hóa và hấp thu,trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa. Whey protein chứa các protein kháng khuẩn giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Lipid: cấu trúc của lipid trong sữa mẹ có nhiều acid béo chuỗi dài không no dễ hấp thu và nhiều acid béo cần thiết như acid linoleic đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển hệ thần kinh, mắt và sự bền vững của mạch máu ở trẻ nhỏ. Hàm lượng lipid trong sữa mẹ vào khoảng 5,5g/100ml, lipid cung cấp khoảng một nửa năng lượng cho trẻ bú mẹ.

Glucid: trong sữa mẹ chủ yếu là đường lactose với hàm lượng khoảng 7g/100ml. Một số lactose trong sữa mẹ vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng.

Vitamin: Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa công thức, vì vậy trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt. Các vitamin khác trong sữa mẹ cũng đủ cung cấp cho trẻ trong 6 tháng đầu nếu bà mẹ được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, ngoại trừ vitamin D là loại vitamin cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Muối khoáng: Nguồn Ca, Fe và Zn trong sữa mẹ tuy ít hơn trong sữa công thức nhưng có hoạt tính cao, dễ hấp thu do vậy vẫn đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đặc biệt là hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ ít bị còi xương và thiếu máu do thiếu sắt hơn những trẻ được nuôi bằng sữa bò.

Những món ăn lợi sữa

ThS Đỗ Thúy Anh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo y học cổ truyền, sữa mẹ từ huyết hóa thành, nhờ động lực của khí mà vận hóa, lưu thông. Do vậy, việc sữa nhiều hay ít liên quan mật thiết đến sự thịnh suy của khí huyết. Cuộc sinh nở khiến khí huyết người phụ nữ bị tổn thương, cơ thể hư nhược nên nguồn sữa bị ảnh hưởng (nhất là những người cơ thể đó sẵn hư nhược hoặc mất máu, mất sức nhiều khi sinh).

Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ - Ảnh 3.

Trẻ được bú mẹ sẽ có vô vàn lợi ích trong phát triển toàn diện về sức khỏe và trí tuệ.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục khí huyết của sản phụ. Ngoài chế độ ăn uống, người mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, tránh mọi căng thẳng thần kinh và cáu giận, tự tạo cho mình sự thoải mái vì sự căng thẳng tinh thần ảnh hưởng rất xấu tới quá trình tạo sữa.

Để tăng sữa, các bà mẹ có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc sau:

Quả đu đủ xanh chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E... Đu đủ xanh tươi nấu với chân móng lợn (phần từ khuỷu xuống đến móng) cho sản phụ ăn có tác dụng thông sữa. Món ăn này rất tốt cho những sản phụ ít sữa hoặc sữa loãng.

Đương quy 100 g, thịt dê 200 g (rửa sạch, thái miếng), gừng tươi 5 lát, hành hoa 3 nhánh. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa, tới khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Ăn thịt, uống nước hầm (chia nhiều bữa). Món này thích hợp với người sau đẻ mất máu nhiều, gầy còm, kém ăn, người lạnh, ít sữa. Người táo bón không nên dùng.

Vừng đen 30 g (giã nhỏ), gạo tẻ 50 g, nấu cháo. Món này vừa lợi sữa vừa nhuận tràng, thích hợp với những sản phụ sau đẻ huyết hư, táo bón, ít sữa.

Lạc nhân 50 g, gạo tẻ 100 g, đường phèn lượng vừa đủ. Lạc nhân rửa sạch, giã nhỏ, nấu cháo cùng gạo tẻ; khi cháo chín cho thêm đường phèn vừa ăn. Có thể hầm lạc nhân cùng móng giũ lợn. Khi nhu cầu của bé ngày một lớn, dòng sữa mẹ như cạn dần, không đủ đáp ứng.

Quả đu đủ ương nấu với cá chép hoặc cá quả đến khi nhừ, cho sản phụ ăn cũng sẽ giúp tăng lượng sữa.

Chọn lá khoai lang tươi non, rửa sạch, thái chỉ, xào với thịt lợn nạc ăn. Hoặc có thể luộc rau lang chấm mắm ăn hàng ngày. Lưu ý: nếu muốn uống nước rau lang thì trần qua, bỏ nước đầu, uống nước thứ hai sẽ không bị chát.

Những món ăn bài thuốc nêu trên sẽ giúp người mẹ tạo sữa tốt hơn. Tuy nhiên, người mẹ không nên trông chờ hoàn toàn vào chế độ ăn uống để tạo sữa, mà còn cần phải đảm bảo giấc ngủ tốt và nhất là cho con bú đúng cách. Có như thế thì mới kích thích cơ thể người mẹ sản sinh ra nhiều sữa, giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh.

Theo suckhoedoisong.vn