leftcenterrightdel
 Khám sàng lọc huyết áp từ độ tuổi 20 là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh - AI: Ngọc Thùy

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Tiến sĩ Nasli R Ichaporia - Giám đốc khoa Thần kinh, Bệnh viện Sahyadri (bang Rajasthan, Ấn Độ) - cho biết, huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây đột quỵ, xảy ra khi mạch máu não bị vỡ và chảy máu hoặc khi có tắc nghẽn trong nguồn cung cấp máu cho não.

Theo thời gian, huyết áp cao sẽ làm hỏng thành động mạch, khiến chúng mỏng hơn, cứng hơn và dễ bị vỡ. Nó có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch và dẫn đến hình thành cục máu đông.

Nếu cục máu đông di chuyển đến não, nó có thể gây đột quỵ. Huyết áp cao thậm chí có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ sâu bên trong não. Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên khi chỉ số huyết áp luôn ở mức 140/90 milimet thủy ngân (mm Hg) hoặc cao hơn.

Tại sao đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ?

Theo Tiến sĩ Ichaporia, béo phì, hút thuốc, sử dụng rượu, lạm dụng chất gây nghiện, ít vận động, căng thẳng gia tăng và tăng huyết áp khiến người trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn.

Làm thế nào để phòng ngừa?

Ngoài việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, cholesterol và bệnh tiểu đường, Tiến sĩ Ichaporia cho biết, điều quan trọng là phải áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri và tăng cường trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Đối với những người trẻ tuổi làm việc ở thành thị, mức độ căng thẳng cao, hành vi ít vận động kéo dài và tiếp xúc với ô nhiễm đô thị là những yếu tố rủi ro.

Do đó, bạn nên ưu tiên hoạt động thể chất thường xuyên như 150 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động mạnh mỗi tuần.

“Từ độ tuổi 20 trở đi, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, vì tăng huyết áp và tiểu đường có thể diễn biến một cách âm thầm và làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ”, Tiến sĩ Ichaporia lưu ý.

Theo laodong