leftcenterrightdel
 Trong 2.000 người tự tử, có đến 200 người là nhân viên y tế 

Các nhà nghiên cứu từ Viện tâm thần bang New York lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các bác sĩ, những người chỉ chiếm khoảng 5% lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, những người tham gia nghiên cứu bao gồm nhiều nhân viên y tế, bao gồm y tá, kỹ thuật viên y tế, nhân viên hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và nhân viên xã hội. 

Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, về tổng thể, nguy cơ tự tử ở những người làm việc trong ngành này cao hơn 32% so với những người làm nghề khác. 

Tiến sĩ Mark Olfson - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Chúng ta cần xem xét điều kiện làm việc của nhân viên y tế và cố gắng thực hiện các cải cách để hỗ trợ họ tốt hơn".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu tỉ lệ tử vong tại Mỹ trong những năm 2008 đến cuối năm 2019. Dữ liệu từ 1,84 triệu người trưởng thành được sử dụng trong nghiên cứu, bao gồm 176.000 nhân viên y tế và 1,66 triệu nhân viên không phải nhân viên y tế, với độ tuổi trung bình là 44.

Kết quả, trong nhiều năm phân tích dữ liệu thì trong 2.000 người tự tử thì có 200 người là nhân viên y tế. Trong đó, y tá chiếm tỉ lệ cao nhất: 64%, kỹ thuật viên y tế, những người thường xuyên thu thập và chuẩn bị mẫu máu, kiểm tra mẫu mô hoặc quản lý phòng thí nghiệm có nguy cơ tự tử 39%.

Ở nhân viên xã hội hoặc hành vi, những người đánh giá và điều trị những người có vấn đề về tâm thần, cảm xúc và lạm dụng dược chất, tỉ lệ này cao hơn 14%. Tỉ lệ này ở bác sĩ là 11%.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người làm công việc hỗ trợ sức khỏe như chăm sóc người già, người bị tâm thần, trẻ em... có nguy cơ tự tử cao hơn vì công việc cực nhọc, đơn điệu nhưng được trả lương thấp, có ít cơ hội thăng tiến. 

Nghiên cứu gần đây cũng phát hiện rằng, nguy cơ tự tử ở 2 giới là khác nhau. Mặc dù nguy cơ tự tử nói chung ở nam giới cao hơn nữ giới, nhưng mức độ gia tăng rủi ro đối với nữ nhân viên y tế lại cao hơn mức tăng ở nam giới. Ông nói rằng có thể là do các bác sĩ lâm sàng nữ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với bệnh nhân và thường bị ngược đãi hơn.

Ông cũng cho biết, có nhiều khả năng phụ nữ thường mắc chứng mất ngủ, mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn và dễ bị kiệt sức hơn.

Theo phụ nữ TPHCM