Nguồn dược liệu phong phú và đa dạng do cha ông ta truyền lại có tác dụng to lớn trong việc khám chữa bệnh. Ngày nay, nhiều địa phương đang tích cực phát triển vườn cây dược liệu hướng đến sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền.

Với nhiều ưu điểm, y học cổ truyền đã khẳng định điều trị có hiệu quả trong nhiều nhóm bệnh phức tạp mà không gây tác dụng phụ; trong đó có các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc chiếm tới 30%, điển hình là châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh… Với tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt hơn 70%, các bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền, phòng chẩn trị y học cổ truyền ngày càng thu hút nhiều người đến khám và điều trị, đã và đang có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện đa khoa.

Phát huy hiệu quả của các bài thuốc dân gian trong chăm sóc sức khỏe - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm cơ sở trồng dược liệu ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Dương Tú

Ngoài các phương pháp điều trị không dùng thuốc còn có các phương pháp sử dụng kinh nghiệm dân gian cũng hết sức hiệu quả. Đơn cử như việc sử dụng thuốc nam trong phòng và điều trị bệnh. Với số lượng vị thuốc nam lên đến hàng nghìn loại, từ các khoáng vật, động vật, tới các vị thuốc dễ tìm cho đến các vị thuốc quý hiếm. Nhưng một đặc điểm chung là những loại dược liệu này đều có giá trị phòng và chữa bệnh rất hiệu quả, từ việc sử dụng đơn lẻ từng vị đến phối ngũ với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị.

Qua hàng nghìn năm tích luỹ, bề dày y học cổ truyền Việt Nam đã để lại một kho tàng trong việc sử dụng các bài thuốc dân gian trong chữa bệnh. Qua đó cho thấy sự gìn giữ và phát huy những kiến thức về phương pháp chữa bệnh dân gian, gìn giữ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Ở Việt Nam hiện có hàng triệu loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên,...

Với hơn 54 dân tộc mà phần lớn là các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có tập quán, niềm tin và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Hiện nay, tại Việt Nam đã tập hợp được khoảng 4 vạn bài thuốc dân gian gia truyền của hơn 10 nghìn lương y.

Phát huy hiệu quả của các bài thuốc dân gian trong chăm sóc sức khỏe - Ảnh 2.

Nhiều loại dược liệu phát triển tốt ở miền núi phía Bắc. Ảnh: Dương Tú

Với lịch sử nền Y học cổ truyền gắn liền với chiều dài hơn 4.000 năm văn hiến từ thời kỳ khai quốc đến nay, việc sử dụng dược liệu từ các bài thuốc dân gian đã trở thành một phần của cuộc sống người dân.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2022 của các nhà khoa học thuộc khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên tại 7 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lào Cai, Vĩnh Phúc trên 22 loại thực vật dược, hiệu quả của những loài này có những kết quả đáng kinh ngạc.

Cụ thể, 22 loại thực vật dược gồm: Tô mộc, Bồ công anh cao, Mộc tặc trãi, Cỏ tháp bút xòe, Bòn bọt, Phòng phong thảo, Bọ mẩy, Tiết dê lá dày, Hoàng Liên ôrô lá dày, Đa lá lệch, Gắm núi, Râu hùm, Náng hoa trắng, Bùm bụp, Mạn mân, Dạ cẩm, Trứng cuốc, Lan kiếm, Khổ Sâm, Dây đau xương, Phòng kỷ xuân liên, Mộc hương lá nhọn.

Theo kết quả nghiên cứu này, 22 loài thực vật được thu thập để nghiên cứu các nhóm đặc tính cho thấy, một số loài có khả năng chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống oxy hóa…

Phát huy hiệu quả của các bài thuốc dân gian trong chăm sóc sức khỏe - Ảnh 3.

Một hộ dân kết hợp trồng cây dược liệu cùng doanh nghiệp tại Hà Giang. Ảnh: Dương Tú

Một số kết quả quan trọng đáng chú ý gồm các thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư vú và dòng tế bào Hela đối với các chiết xuất từ các loại cây Mộc tặc Trãi, Khô sâm, Phòng phong thảo; các thử nghiệm hoạt tính chống viêm đối với mẫu từ các loại cây bọ mẩy, gắm núi, hoàng liên ô rô lá dày và bòn bọt; các thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn đối với với hầu hết các chất chiết xuất từ cây gắm núi, bùm bụp, mạn mân và cây dạ cẩm…

Từ đó có thể thấy, tiềm năng về hiệu quả của các loại thảo dược trong việc chữa bệnh là rất lớn. Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, hiện đại hóa các phương thuốc cổ truyền để hiểu rõ hơn về công dụng của các loại thảo dược đơn lẻ và kết hợp với thảo dược khác để hiệu quả ngày càng tăng cao.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tài nguyên phong phú về cả hệ sinh thái thực vật cũng như hệ vi sinh vật, đặc biệt là vùng miền núi phía bắc. Dựa vào đó, nền y học cổ truyền lâu đời của Việt Nam cũng đã sử dụng các loại cây đặc hữu để đưa vào trong các bài thuốc dân gian.

Tuy nhiên, việc sử dụng các bài thuốc cổ truyền, dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam hiện có. Việc nghiên cứu, triển khai tìm hiểu hiệu quả của các loại dược liệu sẽ góp phần mở ra những hướng phát triển mới, hợp tác giữa các bên để đưa dược liệu tới gần với người dân hơn.

Theo suckhoedoisong.vn