Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Covinet được thiết lập nhằm tạo điều kiện và điều phối chuyên môn cũng như năng lực toàn cầu nhằm phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV cũng như các loại virus Corona mới, có ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Covinet là mạng lưới các phòng thí nghiệm toàn cầu có chuyên môn về giám sát virus Corona ở người, động vật và môi trường. Covinet hiện mở rộng thêm mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu Covid-19 của WHO, bao gồm 36 phòng thí nghiệm đặt tại 21 quốc gia.
Trước đây, mạng lưới phòng thí nghiệm tập trung vào SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19. Đến nay, mạng lưới này sẽ xử lý nhiều loại virus Corona hơn, bao gồm MERS-CoV và các loại virus Corona mới tiềm năng.
Theo WHO, trong cuộc họp mới đây nhất tại Geneva, ngày 26 - 27.3, đại diện các phòng thí nghiệm đã hoàn thiện kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2025 nhằm giúp các quốc gia thành viên của WHO được trang bị tốt hơn để phát hiện sớm, đánh giá rủi ro và ứng phó với các thách thức sức khỏe liên quan đến virus Corona.
Cuộc họp có các chuyên gia toàn cầu về sức khỏe con người, động vật và môi trường, áp dụng phương pháp tiếp cận "một sức khỏe" toàn diện để theo dõi và đánh giá sự tiến hóa và lây lan của virus Corona.
Nhiều lần cho thấy nguy cơ bùng dịch
Các chuyên gia của WHO đánh giá, các loại virus Corona đã nhiều lần chứng minh nguy cơ bùng phát và đại dịch của chúng.
Dữ liệu của Covinet sẽ định hướng các công việc của Nhóm tư vấn kỹ thuật của WHO về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 cũng như các nhóm khác; các khuyến nghị về thành phần vắc xin phòng, chống dịch liên quan đến những biến đổi, sự lưu hành của virus; đóng góp cho các chính sách phòng, chống dịch toàn cầu dựa trên những thông tin, bằng chứng khoa học mới nhất.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, virus Corona là một họ virus lớn, có thể gây bệnh cho cả động vật và con người. Ở người, virus Corona có thể gây ra một loạt bệnh, từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng như: hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.
Từ tháng 12.2019, một chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) đã được xác định là căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính (Covid-19). Virus này đã có đột biến, tạo ra nhiều biến thể khác nhau.
Cập nhật mới nhất của WHO (đến 15.3) về Covid-19 cho biết, trên toàn cầu, JN.1 có báo cáo nhiều nhất (được 115 quốc gia báo cáo), chiếm 90,3% so với 89,4% tại thời điểm đầu tháng 2 năm nay. Dòng bố mẹ của JN.1 là BA.2.86, đang suy giảm. JN.1 là biến thể gây dịch Covid-19 được WHO xếp vào diện "đáng quan tâm".
Mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu đầu tiên của WHO về SARS-CoV-2 (Mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu WHO SARS-CoV-2) được thành lập vào tháng 1.2020, với mục tiêu ban đầu là cung cấp xét nghiệm xác nhận cho các quốc gia không có hoặc có ít năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2.
Kể từ đó, nhu cầu về SARS-CoV-2 ngày càng tăng và việc theo dõi sự tiến hóa của virus, sự lây lan của các biến thể cũng như đánh giá tác động của các biến thể đối với sức khỏe cộng đồng vẫn là điều cần thiết.
Hiện, WHO đã mở rộng và sửa đổi phạm vi, mục tiêu và điều khoản tham chiếu, đồng thời thiết lập một “Mạng lưới virus Corona của WHO” (Covinet) mới với năng lực về dịch tễ học và phòng thí nghiệm được nâng cao bao gồm: chuyên môn về giám sát sức khỏe động vật và môi trường; các loại virus Corona khác, bao gồm MERS-CoV; và việc xác định các loại virus Corona mới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
(Mạng lưới virus Corona của WHO - Covinet)
|