Luật nhập cư gây chia ly 

Câu chuyện buồn đã xảy ra với gia đình nhà Bailey. Anh chồng Guy Bailey và vợ là Stacey đang phải đối mặt với nguy cơ không còn được chung sống chỉ vì luật nhập cư mới của nước Anh đang gây tranh cãi. Sau khi lấy nhau tại Anh, họ quyết định chuyển đến Mỹ, quê hương Stacey, sinh sống. Nhưng đến khi quyết định quay lại Anh, Stacey, hiện mang quốc tịch Mỹ, không thể sống cùng chồng và con trai vì anh Bailey không đáp ứng nổi quy định về mức thu nhập tối thiểu ở những hộ gia đình nhập cư do Chính phủ Anh đề ra.

Quá bức xúc, gia đình nhà Bailey đã nộp đơn thỉnh cầu lên Văn phòng quản lý người nhập cư của Anh yêu cầu xem xét lại. Ngoài đơn của nhà Bailey, văn phòng này còn tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại của những gia đình nhập cư khác trên toàn nước Anh cho rằng luật nhập cư mới đã bóp nghẹt cuộc sống của gia đình họ. Luật mới được cho là nguyên nhân khiến hàng ngàn gia đình ở đảo quốc sương mù bị ly tán trong năm nay. Sau khi dự luật nhập cư mới được thông qua từ cuối tháng 7/2013, Chính phủ Anh đã đối diện với muôn vàn chỉ trích vì những quy định siết chặt cuộc sống của người nhập cư nhất từ trước đến nay. Theo luật mới, công dân Anh muốn bảo trợ thị thực nhập cư vào nước này cho vợ hoặc chồng đang sống ở nước ngoài khu vực châu Âu phải có thu nhập ít nhất là 18.600 bảng/năm (khoảng 28.800 USD). Con số này sẽ tăng lên 22.400 bảng/năm (34.700 USD) nếu người đó bảo trợ thêm một đứa con và tăng thêm 2.400 bảng (3.700 USD) cho mỗi đứa trẻ được bảo trợ. Điều trớ trêu là các số liệu thống kê cho thấy nhiều công dân Anh có việc làm ổn định hoặc có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu chung, nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu về mức thu nhập tối thiểu của quy định mới này. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, lúc quy định mới chưa được áp dụng, có tới 47% số người đang trong độ tuổi lao động ở Anh không thể vượt qua được yêu cầu nếu muốn bảo trợ cho vợ hoặc chồng của mình nhập cư vào đảo quốc sương mù.  

Chính phủ Anh lên tiếng bào chữa rằng quy định mới nhằm đảm bảo những người nước ngoài nhập cư vào Anh để đoàn tụ với vợ hoặc chồng sẽ không trở thành gánh nặng đối với người nộp thuế, đồng thời sẽ được hỗ trợ đầy đủ để hội nhập tốt vào xã hội nước sở tại. Những người nhập cư sẽ không bị từ chối thị thực khi vợ hoặc chồng mang quốc tịch Anh không có việc làm nhưng có ít nhất 62.500 bảng (khoảng 96.800 USD) tiền tiết kiệm hoặc từ các khoản đầu tư của cá nhân. Theo ước tính của chính phủ, mỗi năm sẽ có khoảng 18.000 người không thể đoàn tụ được với vợ hoặc chồng của mình ở Anh do quy định mới này. Nhưng đắng lòng hơn ở chỗ đằng sau những vụ ly tán còn là tương lai của những đứa trẻ phải sớm xa cha hoặc mẹ chỉ vì điều kiện kinh tế không cho phép. Trao đổi với Russia Today, chị Stacey băn khoăn không biết phải giải thích với con trai Vincent như thế nào khi phải xa con trong những ngày sắp tới. Thật khó để nói với con rằng chị không thể sống cùng con chỉ vì lý do cha không kiếm đủ tiền và mẹ không phải là công dân Anh. Đây cũng là điều khiến các chuyên gia xã hội học ở Anh lo ngại. Vô hình trung, chỉ vì luật nhập cư mới, một mô hình gia đình không trọn vẹn ở Anh dần hình thành… 

Siết chặt chính sách

Ngày 29/7/2014, Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố một loạt biện pháp siết chặt hơn chính sách đối với người nhập cư nhằm tránh việc hệ thống phúc lợi của nước này bị lợi dụng và bảo vệ thị trường việc làm trong nước trước lực lượng lao động giá rẻ từ Liên minh châu Âu (EU). Trong số những thay đổi chính sách này có quy định người nhập cư từ các nước EU sẽ phải đợi ít nhất 3 tháng mới được nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và thời gian họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ được tối đa 3 tháng thay vì 6 tháng như theo quy định công bố năm ngoái. 

Liên quan đến việc tuyển lao động nước ngoài, Thủ tướng Cameron cho biết các doanh nghiệp tuyển dụng tại Anh sẽ bị cấm đăng quảng cáo tuyển việc làm chỉ dành cho người nước ngoài. Ngoài ra, nhằm phát hiện và trục xuất người nhập cư trái phép, từ tháng 11 tới, các chủ cho thuê nhà ở Anh sẽ bắt buộc phải kiểm tra tình trạng nhập cư của đối tượng thuê nhà. Các quy định mới ngăn chặn người nhập cư trái phép mở tài khoản ngân hàng sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 12/2014. Ông Cameron cho biết thêm chính phủ cũng đã bắt đầu thu hồi bằng lái xe của những người nhập cư trái phép và cho đến nay đã có 3.150 trường hợp bị thu bằng lái. Các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc được yêu cầu kiểm tra kỹ càng hơn visa của sinh viên. Trường nào bị phát hiện có lượng sinh viên bị từ chối visa chiếm 10% tổng số sinh viên toàn trường sẽ lập tức bị thu giấy phép hoạt động và phải đóng cửa.

Tuy nhiên, chính sách này đã gặp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên EU. Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Anh và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của Anh. Ông Christian Schulz, chuyên gia kinh tế cao cấp ngân hàng Berenberg nói: “Tất cả công dân EU đều có quyền sống và làm việc tại các nước thành viên. Sự di cư của các lao động giữa các nước trong khu vực EU sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế”.

Đồng tình với quan điểm trên, kinh tế trưởng của tập đoàn AXA cũng cho rằng, chính sách trên như thể khiến nước Anh đứng ngoài nền kinh tế khu vực EU. Ông Eric Chaney, kinh tế trưởng, tập đoàn AXA cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng nước Anh đứng bên ngoài châu Âu sẽ thất bại trong công việc kinh doanh và doanh nghiệp đó sẽ bị giảm tính cạnh tranh”. Chưa biết chính sách cắt giảm dân nhập cư có giúp Thủ tướng Anh Cameron tái đắc cử hay không, nhưng theo các chuyên gia, chính sách này rõ ràng đang khiến kinh tế nước Anh có thể bị cô lập.