Cảnh sát Mexico phong tỏa hiện trường nơi bố con người di cư chết đuối trên sông Rio Grande. Ảnh: AP.
Bức ảnh do phóng viên Julia Le Duc chụp ảnh hai bố con người di cư chết đuối trên sông Rio Grande giữa biên giới Mỹ - Mexico đã thổi bùng làn sóng tranh luận trên mạng xã hội và dư luận Mỹ về chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump và những đau khổ mà những người vượt biên vào Mỹ đang phải chịu đựng.
"Hình ảnh đó thật khủng khiếp", Maureen Meyer, chuyên gia về nhập cư tại Văn phòng Washington về Mỹ Latin, nói về bức ảnh. "Tôi nghĩ nó cho thấy rất rõ những rủi ro hiện hữu trong các chương trình nhập cư của Mỹ, rằng người di cư buộc phải ở lại Mexico hoặc chấp nhận đánh cuộc với số phận khi Mỹ giới hạn số lượng người xin tị nạn mỗi ngày".
Phóng viên Le Duc cho biết người cha trong ảnh là Oscar Alberto Martinez, 26 tuổi. Anh cùng vợ và con gái hai tuổi Valeria rời quê nhà El Salvador đến Mexico hai tháng trước và muốn xin được tị nạn ở Mỹ. Tuy nhiên, khi đến khu vực biên giới, văn phòng di trú Mỹ đóng cửa vào dịp cuối tuần, trong khi dòng người xếp hàng xin tị nạn quá đông. Mỹ chỉ chấp nhận xem xét ba hồ sơ xin tị nạn mỗi tuần.
Thất vọng với quy trình này, Martinez đã quyết định đưa vợ con bơi qua sông biên giới Rio Grande. Tuy nhiên, khi được bố đưa sang bờ bên kia, bé Valeria hoảng sợ và nhảy xuống sông để đuổi theo bố đang quay lại đón mẹ. Hai bố con sau đó bị dòng nước cuốn trôi.
Câu chuyện và bức ảnh của Le Duc khiến nhiều người nổi giận về chính sách nhập cư của Mỹ, họ cho rằng chính các biện pháp hạn chế nhập cư của chính quyền Trump đã khiến những thảm kịch như vậy xảy ra. Một số người dùng mạng xã hội bày tỏ tức giận khi dư luận không nỗ lực hết sức để giúp đỡ những gia đình đang chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói.
"Thật đáng tiếc khi sự việc xảy ra", Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador bình luận về bức ảnh. "Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng nước Mỹ càng chối bỏ người tị nạn thì càng có nhiều người tử vong trên sa mạc hay các đường mòn vượt biên".
Bức ảnh của Le Duc ban đầu được đăng trên tờ la Jornada của Mexico, sau đó được hãng thông tấn AP mua lại và chia sẻ khắp thế giới, như những gì họ đã làm với bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út tại Trảng Bàng, Việt Nam năm 1972.
"Cả hai bức ảnh đều là ác mộng tồi tệ nhất mà tôi có thể hình dung", Anthony Breznican, nhà văn kiêm nhà phê bình phim người Mỹ, viết. "Tôi muốn chia sẻ nó, dù thật kinh khủng và đáng buồn. Nó là bức ảnh khiến bạn phải mở to mắt".
Breznican phản đối ý kiến của Aura Bogado, phóng viên điều tra mảng người nhập cư của tổ chức Reveal News, người cho rằng truyền thông không nên đăng những bức ảnh "ghê tởm" như vậy. "Truyền thông Mỹ không bao giờ làm thế nếu đó là người da trắng, nhưng lại làm thế với người da màu. Thật khủng khiếp và hoàn toàn không cần thiết", Bogado viết trên Twitter hôm 25/6.
Monica Clua, giáo sư đại học Texas, nói rằng việc đăng bức ảnh là cần thiết, bởi nó cũng giống như ảnh chụp Alan Kurdi, cậu bé 3 tuổi người Syria chết đuối ở Địa Trung Hải gần Thổ Nhĩ Kỳ trên đường di cư. Cô hy vọng ảnh khiến chúng ta thức tỉnh và phải làm gì đó cho những gia đình đang chạy trốn khỏi bạo lực và đói nghèo ở Trung Mỹ.
Tổng thống Mỹ Trump thời gian qua đã gây sức ép đáng kể với Mexico để nước này quản lý dòng người nhập cư và ngăn cản họ ồ ạt tràn vào Mỹ. Trước áp lực của Trump, Mexico đang đẩy mạnh chiến dịch đàn áp người di cư trái phép và triển khai hàng nghìn binh sĩ đến biên giới với Mỹ để ngăn chặn tình trạng vượt biên.
Phóng viên Julia mô tả tình cảnh của những người vượt biên vào Mỹ hiện nay là "những gia đình tuyệt vọng, những con người tuyệt vọng làm những điều tuyệt vọng". Trong khi đó, Cris Ramon, nhà phân tích chính sách nhập cư tại Trung tâm Bipartisan ở Washington, cho rằng thế giới "đang chứng kiến những biện pháp ngày một tuyệt vọng của những người cố gắng vào Mexico hoặc Mỹ".
Theo vnexpress