VN có thể đón tới 12 triệu khách
Trong Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN mà Chính phủ đã trình Quốc hội, có 2 nội dung tác động trực tiếp tới ngành du lịch. Đó là đề xuất quy định thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng và thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ không quá 15 ngày lên không quá 45 ngày.
"Nếu các đề xuất trên được Quốc hội bấm nút thông qua, áp dụng ngay từ tháng 5 này, cùng với danh sách các nước được miễn thị thực mở rộng hơn nữa thì ngành du lịch không phải lo đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế mà có thể đón trên dưới 12 triệu lượt", TS Lương Hoài Nam, thành viên Tổ tư vấn du lịch VN (TAB), tự tin dự báo.
Ông Nam phân tích: Đầu tiên, việc tăng thời hạn hiệu lực visa điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng đồng nghĩa với tăng độ linh hoạt của du khách khi thiết kế chuyến đi. Khách có thể khởi hành bất cứ ngày nào, thời điểm nào trong giai đoạn 3 tháng. Cũng vì là 90 ngày nên trong thời gian đó, du khách có thể xuất/nhập cảnh nhiều lần, không chỉ 1 lần như trước và khi đến/đi không phải xin lại visa. Điều này sẽ tạo cơ hội để chúng ta đa dạng hóa các trải nghiệm của du khách thêm nhiều lần. Đơn cử, khách có thể đến VN chơi một thời gian, sau đó sang Thái, sang Lào, Campuchia hoặc thậm chí quay về nước rồi sau đó trở lại VN, tiếp tục trải nghiệm. Ý tưởng "Một visa - Nhiều điểm đến" trong Tiểu vùng CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - VN) mà nước ta có vai trò quan trọng sẽ sớm có cơ hội thành hiện thực.
Bên cạnh đó, quy định này còn phù hợp với một số đối tượng mà trước nay du lịch VN khó khai thác như người hưu trí. Ở các nước phát triển có rất nhiều người lớn tuổi về hưu có nhiều thời gian tổ chức các chuyến đi dài ngày. Thậm chí, đang có xu hướng người hưu trí cho thuê nhà rồi đi du lịch dài ở các nước khác. Thời hạn visa kéo tới 90 ngày rất phù hợp để khai thác phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cho người về hưu hưởng trọn mùa đông hoặc mùa hè.
Bên cạnh đó, sau Covid-19 còn xuất hiện đối tượng khách du lịch kiểu "vô gia cư" - được hiểu là nhiều doanh nghiệp đã tạo thói quen không bắt nhân viên phải tới văn phòng mà có thể làm việc online nên những đối tượng này sẽ "vác" máy theo, vừa đi du lịch vừa làm việc từ xa. Một số nước đã triển khai cấp visa riêng cho những đối tượng du lịch dạng này và với quy định mới, VN cũng sẽ trở thành điểm đến tiềm năng.
Ngoài ra, đối tượng người nước ngoài đầu tư bất động sản tại VN cũng đang rất trông chờ việc mở visa này. Họ sẽ thuận tiện hơn trong việc sang thăm ngôi nhà thứ 2, đưa người thân, bạn bè sang nghỉ dưỡng, khám phá VN. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng - "khối băng" lớn nhất của ngành bất động sản hiện nay - sẽ sớm được hâm nóng trở lại.
"Trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, càng mở rộng đối tượng khách thì du lịch càng sớm phục hồi, càng nhiều ngành nghề được hưởng lợi từ du lịch", chuyên gia này khẳng định.
Thực tế, trước VN, nhiều quốc gia cũng đã sử dụng chính sách gia hạn thị thực như một "thỏi nam châm" để bứt tốc hút khách. Đơn cử, Thái Lan sau dịch đã nhanh chóng ban hành chính sách miễn lệ phí thị thực để hút khách quốc tế, đồng thời gia hạn thị thực du lịch tối đa đến 45 ngày để khuyến khích du khách lưu trú lâu hơn. Kết quả, xứ sở chùa Vàng đã xuất sắc đón tới 11,8 triệu khách quốc tế sau chưa đầy 1 năm chính thức mở cửa và tiếp tục đặt mục tiêu tới 25 triệu khách quốc tế trong 2023, trên cơ sở kéo dài chính sách visa 45 ngày với những thị trường được miễn visa.
Khách càng ở lâu, du lịch càng "hốt bạc"
Theo đánh giá của các công ty du lịch, đối với các du khách đến từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, chuyến đi 15 ngày là quá ngắn. Là đơn vị đã và đang thu hút được nhiều đoàn khách "đại gia" từ Ấn Độ tới VN tổ chức các đám cưới, sự kiện hoành tráng, ông Thân Huỳnh Vĩnh Thụy, Giám đốc kinh doanh Công ty Yên Tử Tùng Lâm, cho biết dòng khách cao cấp từ Ấn Độ sang VN tổ chức sự kiện hoặc đám cưới sẵn sàng chi rất nhiều tiền và có nhu cầu ở dài ngày. Trước khi diễn ra sự kiện chính, họ sẽ đi đến những resort, khu nghỉ dưỡng để khảo sát rất kỹ, rất lâu, sau đó mới đón gia đình cô dâu, chú rể vào ở. Sau đó, đa số các đoàn thường tận dụng chuyến đi đến VN để tham quan thêm nhiều điểm. Đơn cử, nếu tổ chức đám cưới ở Yên Tử sẽ xây dựng chương trình tour Hạ Long, Hà Nội hoặc Sa Pa. Mỗi đoàn khách như vậy hiện nay có tổng mức chi tiêu cho một sự kiện lên tới vài tỉ đồng.
"Nếu thủ tục visa thông thoáng hơn, thuận tiện hơn thì VN sẽ có rất nhiều tiềm năng để đón dòng khách cao cấp từ thị trường Ấn Độ. Càng tạo cơ hội cho họ ở dài ngày thì họ sẽ càng tiêu nhiều tiền, tất cả ngành du lịch sẽ cùng hưởng lợi", ông Thụy nói.
Phân tích kỹ hơn từ góc độ sản phẩm, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá: "Căn bệnh trầm kha" của ngành du lịch Việt là khách đến ở ít ngày, chi tiêu ít và không quay lại, phần nhiều cũng bởi những quy định bất cập. Giới hạn hiệu lực visa, hạn chế ngày lưu trú khiến các công ty du lịch không thể đa dạng hóa, làm phong phú hệ thống sản phẩm. Từ trước đến nay, các công ty chỉ xây dựng bộ sản phẩm theo hình que, tức chỉ đi những điểm nổi bật 2 đầu Bắc - Nam như từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Huế, Hội An, qua Quy Nhơn rồi về TP.HCM, đi miền Tây. Những tour xuyên Việt như vậy chỉ gói gọn 10 - 15 ngày, đơn điệu, khiến du khách đi 1 lần không muốn quay lại vì nghĩ đã khám phá đủ VN rồi. Cũng vì theo hình que, như ống máng trượt nên thẩm thấu từ du lịch vào nền kinh tế cũng không đáng là bao, không tạo ra tính lan tỏa mạnh. Tất cả các công ty du lịch đều muốn chuyển đổi mô hình sản phẩm sang hình xương cá hoặc hình sừng hươu, nghĩa là mở sang đường ngang, kéo khách tới cả những vùng đang có tiềm năng phát triển du lịch. Như vậy mới tạo được tính lan tỏa, mở rộng được danh sách các địa phương phát triển du lịch và khiến khách phải ở lâu hơn, đi hết tour vẫn muốn quay lại để khám phá tiếp VN".
"Kéo dài thời gian lưu trú là yếu tố tiên quyết để chuyển đổi sang các dạng mô hình sản phẩm này. Ngành du lịch luôn phải xác định rõ làm sao để khách ở càng lâu càng tốt, đi tuyến dài, không chỉ đến những vùng trung tâm du lịch lớn mà cả những vùng đang có tiềm năng cũng có thể kéo khách. Khách càng ở lâu, càng đi nhiều thì càng chi tiêu nhiều, du lịch và cả nền kinh tế càng hưởng lợi", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.
Bên cạnh việc nới gia hạn thị thực, tăng thời gian lưu trú của du khách, danh sách các nước được miễn visa cũng cần nhanh chóng được trình Quốc hội thông qua. Đây là đòi hỏi tất yếu trong vấn đề cạnh tranh điểm đến. VN sẽ không thể cạnh tranh với danh sách 26 nước được miễn thị thực, trong khi xung quanh Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines miễn 157 quốc gia, Thái Lan miễn cho công dân 64 quốc gia… Nếu được Quốc hội thông qua, gỡ nút thắt visa sẽ là cú hích cho du lịch VN bứt tốc từ mùa du lịch thu đông cuối năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation)
|
Theo Thanh niên