Một buổi học thực tế nuôi ong lấy mật cho người tị nạn tại Bobigny, Pháp - Ảnh: Hufingtonpost.fr

 

Những học viên tại lớp đào tạo nghề này là những người đã mất tất cả. Chúng tôi không phải bắt đầu dạy họ từ con số không, mà bắt đầu từ những thứ thấp kém, nhỏ hơn cả số không.

Bà Maya Persaud (người đồng sáng lập Tổ chức Espero) nhấn mạnh lớp học nghề này là bước chạy đà đầu tiên để người tị nạn hòa nhập với đời sống xã hội, nghề nghiệp ở Pháp.


Khi viết về lớp đào tạo nghề này, trang Orange.fr của Pháp chạy tít rất hình ảnh: "Dùng mật ngọt làm mềm dịu hành trình của người tị nạn".

Lớp học này do Tổ chức Aspero chuyên về dạy người tị nạn ở Pháp các kỹ thuật nuôi ong lấy mật thành lập vào năm 2016.

Điều hành lớp này là những công dân Pháp bao gồm ông Carlos Arbelaez cùng với 3 người bạn Maya Persaud, Pauline Cazaubon và Nicolas Treiber.

Hiện có khoảng 50 người làm việc trong chương trình dạy người tị nạn nuôi ong lấy mật, phần lớn từng làm lĩnh vực nông nghiệp trước đây và một số người đã có kiến thức về nuôi ong lấy mật.

Nghề nuôi ong lấy mật dành cho người tị nạn và nhập cư nhằm đào tạo những kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao tay nghề cho người mới học.

Các buổi học chia đều giữa lý thuyết và thực hành quanh 40 chuồng nuôi ong đặt ở Paris và vùng ngoại ô. Dự kiến chỉ sau hai tháng học, họ sẽ trở thành những người nuôi ong chuyên nghiệp.

Mật ong sau đó được thu lại và bán cho các tổ chức đối tác hoặc bán ra trên thị trường. Năm nay, ông Carlos Arbelaez dự tính thu về 1 tấn mật ong ở Paris nhờ chương trình này.

Mật ong do các học viên "tị nạn" làm ra có hương vị rất thơm ngon, khiến nhiều người muốn nếm thử.

"Mọi thứ ổn với cái tổ ong này. Nuôi ong lấy mật là niềm vui của cuộc đời tôi. Tôi lớn lên với các chuồng ong của bố tôi. Tôi đã chơi và nói chuyện với ong từ khi 3 tuổi. Bây giờ tôi sống rất hạnh phúc" - học viên Ibrahim Karout, một người đàn ông Syria tị nạn vào Pháp năm 2013, hồ hởi chia sẻ với trang InfoMigrants đầu tháng qua nhân dịp đặt một tổ ong mới ở quận 17, thủ đô Paris.

Đến Pháp từ năm 2017, cô Djoul Alain Kaba khẳng định khóa đào tạo nghề này là cơ hội đầu tiên của cô sau một hành trình dài sóng gió qua Syria, Địa Trung Hải và Ý.

Cô gái người Guinée này vừa được cấp quy chế tị nạn ở Pháp chỉ sau một thời gian ngắn được xem xét, kể từ khi cô cùng 140 người liều mình vượt Địa Trung Hải trên thuyền mảng.

Không chỉ dân nhập cư hay tị nạn, nhiều người Pháp thất nghiệp dài hạn cũng tìm đến lớp học này và được hỗ trợ học phí một phần.

Ngoài thủ đô Paris và vùng phụ cận, Tổ chức Espero cũng dạy nghề nuôi ong lấy mật cho người tị nạn ở vùng Bobigny (Seine-Saint-Denis) của Pháp.

Văn phòng Nhập cư và hòa nhập Pháp trong năm nay cũng đã gửi 102 người học việc đến từ nhiều tỉnh thành ở Pháp tới Espero.

Nuôi ong lấy mật là nghề tay chân đơn thuần nhẹ nhàng, không cần phải biết tiếng Pháp như nhiều nghề khác, thích hợp với người tị nạn còn lạ nước lạ cái, ngày càng được biết đến khi ở Pháp đang thiếu hụt nhân công tay nghề cao trong nghề này.

Ong cũng "tị nạn" ở Paris

Hiện nay, cuộc sống của loài ong cũng được ví như của người tị nạn. Chúng được gọi là "những người tị nạn của thiên nhiên" khi di cư từ các vùng nông thôn đến các thành phố như Paris.

Điều kiện sống ở một số vùng nông thôn tại Pháp hiện không còn tốt cho loài ong, bởi vì người dân ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm hóa học.

Theo tuoitre