Cảnh sát viên Mark Davis (phải) và Alex Hilton. Ảnh: The Washington Post.

Một buổi sáng tháng 3/2014, cảnh sát viên Mark Davis (54 tuổi) và Alex Hilton (27 tuổi) thuộc Phòng cảnh sát thị trấn Leesburg, bang Virginia, Mỹ tới nhà cụ ông 78 tuổi sau khi người này nói khó thở và sẽ tự sát bằng súng. Cầm chắc súng trong tay, hai cảnh sát nhắc nhở gia chủ hạ vũ khí. Nhưng cụ ông bất chợt chạy sang phòng khác, chĩa súng đầy thách thức từ sau chỗ ẩn nấp.

Thay vì lập tức nổ súng loại trừ nguy hiểm, Mark tra súng vào bao, bước tới nắm lấy vũ khí của đối phương và chậm rãi khuyên hạ súng. Cụ ông sau đó không bị bắt mà được sắp xếp điều trị tâm lý.

Nói về tình huống trên, cảnh sát trưởng thị trấn Leesburg cho biết đơn vị cố gắng xây dựng "tư duy người bảo vệ" thay vì "tư duy chiến binh", chú trọng vào việc cảnh sát có mặt là để "bảo vệ công dân thay vì khuất phục họ". 

Cụm từ "tư duy chiến binh" ban đầu được dùng để chỉ việc chú trọng an toàn cho bản thân mà cảnh sát viên cần quán triệt khi xử lý tình huống nguy hiểm, thể hiện bằng sự tỉnh táo và quả cảm. Đây là hai đức tính cần thiết cho công viẹc của người cảnh sát.

Tuy nhiên, khái niệm "tư duy chiến binh" được cho là đã trở nên xa rời ý nghĩa hẹp ban đầu. Thay vì chỉ nên áp dụng những tình huống nguy hiểm, đa phần cảnh sát Mỹ từ khi còn là học viên đều được giáo dục rằng "nghi phạm luôn sẵn sàng phản ứng bằng bạo lực". Cách tư duy này khiến nhiều cảnh sát luôn có phản ứng thái quá trước những mối đe dọa không tồn tại trong thực tế, góp phần làm xấu đi mối quan hệ giữa cộng đồng và cảnh sát.

Cảnh sát "người bảo vệ" bắt chuyện với người dân để xây dựng quan hệ với cộng đồng.

Trước nhiều vụ nổ súng làm chết người có liên quan tới cảnh sát, tháng 12/2014, Nhà Trắng thành lập Nhóm chuyên gia nhằm đưa ra đề xuất cho công tác cảnh sát Mỹ ở thế kỷ 21. Bản báo cáo của nhóm công tác nêu rằng lực lượng thực thi pháp luật Mỹ nên chuyển từ "tư duy chiến binh"sang "tư duy người bảo vệ". Bởi đây là cách tiếp cận ưu tiên sự phục vụ, chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa cảnh sát và quần chúng. 

Những người ủng hộ tư duy này chỉ ra rằng số trường hợp cần dùng vũ lực chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng số tương tác giữa cảnh sát và người dân, theo Cục Thống kê Tư pháp. Như vậy, cảnh sát viên có thể được đào tạo để vẫn giữ an toàn mà không phải coi mọi công dân là "kẻ địch tiềm tàng".

Chương trình đào tạo "tư duy người bảo vệ" khuyến khích tương tác không chấp pháp (cách tương tác với người dân mà không yêu cầu kiểm tra căn cước hoặc lý lịch, không ghi vé phạt hay bắt giữ), giao tiếp giảm mâu thuẫn (không dùng bạo lực) và kiềm chế mang tính chiến thuật... 

Như cảnh sát thị trấn Leesburg, một số sở cảnh sát ở Mỹ cũng đang cố gắng đào tạo "tư duy người bảo vệ" để có thể xử lý tốt hơn trường hợp công dân quẫn trí hoặc bị bệnh tâm thần. Vào tháng 4, Minneapolis (bang Minnesota) là thành phố đầu tiên tại Mỹ công khai cấm hoàn toàn kiểu đào tạo "chiến binh".

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Theo vnexpress