Tại phiên tòa thứ hai vừa diễn ra, Tòa án Cấp cao Busan đã tuyên án với người đàn ông họ Kim vì tội lén bỏ tinh dịch, thuốc kích dục và nước bọt vào đồ ăn của một cô gái trong suốt 10 tháng trời, sau khi tỏ tình với cô và bị từ chối vào tháng 4/2018.

Hắn còn đứng quan sát cô A uống và hả hê. Việc kinh tởm này được y liên tục thực hiện 54 lần trong 10 tháng. Không chỉ cho tinh dịch vào cà phê, hắn còn cho vào cả bàn chải đánh răng và son môi của cô gái. Ngoài ra, đồ lót của nạn nhân cũng bị trộm mất. Vụ việc được phơi bày khi một đồng nghiệp vô tình xem được cuốn sổ tay do chính thủ phạm ghi chép lại quá trình gây tội của mình. Người này nhanh chóng trình báo với cảnh sát.

Phiên tòa xét xử đầu tiên diễn ra vào tháng 6 kết án Kim 4 năm tù. Tuy nhiên, phiên tòa thứ hai vào 11/8 hạ mức phạt xuống còn ba năm tù. Tòa phúc thẩm nhận định "bị cáo đã rất hối lỗi và khả năng phạm tội lần hai là thấp". Tội danh của Kim không được coi là 'tội phạm tình dục'. Điều này là do, theo luật hiện hành của Hàn Quốc, hành vi quấy rối tình dục được hình thành khi có động chạm trực tiếp lên người bị hại. 6 cáo buộc được áp dụng cho Kim là vi phạm Đạo luật Bảo vệ Bí mật Truyền thông, trộm cắp, theo dõi, cố ý gây thương tích, làm hư hỏng tài sản và đột nhập nơi cư trú bất hợp pháp.

Một luật sư chỉ ra rằng hình phạt cho 'tội theo dõi' là rất nhẹ. Ông nói: "Hành vi theo dõi được xếp vào loại quấy rối liên tục theo Luật Tội nhẹ. Tức là một người sẽ bị coi là phạm tội danh này nếu cố gắng tiếp cận ai đó khi liên tục đến thăm, giao thiệp, hoặc theo dõi, bám đuôi mà trái với ý muốn của đối phương. Tuy nhiên, các trường hợp kể trên chỉ bị phạt cảnh cáo với khoản tiền phạt dưới 100.000 won (gần 2 triệu đồng), nếu bị giam giữ cũng ở mức độ cực kỳ nhẹ".

Tiếp đó, luật sư này chia sẻ: "Mặc dù việc rình rập hay theo dõi ai đó có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng, nhưng sự thật thì vấn đề tình cảm giữa nam và nữ vẫn được coi là chuyện cá nhân, không thể dùng pháp luật để can thiệp. Đã có những trường hợp xuất phát từ việc theo dõi rồi phát sinh cả án mạng, như vậy thì một phần nào đó có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về mặt xã hội".

"Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Đức đang có xu hướng sửa đổi luật để mở rộng các biện pháp bảo vệ nạn nhân hoặc tăng thêm hình phạt cho thủ phạm. Có vẻ như Hàn Quốc cũng nên đưa ra một dự luật hợp lý hơn càng sớm càng tốt", ông nói.

Theo Ione