leftcenterrightdel
 Lãnh đạo huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đưa tiễn người lao động ra nước ngoài làm việc

Từng là hộ cận nghèo, chủ yếu làm thuê kiếm sống, chỉ sau 2 năm làm việc tại Lào, cuộc sống gia đình anh Alăng Brắc (SN 1986; ở xã La Dêê, huyện Nam Giang) đã đổi thay rõ rệt, nhà cửa khang trang.

Anh Alăng Brắc cho biết sau 3 tháng được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, anh được Trường Cao đẳng THACO đưa sang nông trường ở Lào làm việc. Thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, nhờ đó anh có tiền gửi về lo cho gia đình.

Tương tự, anh Phan Hữu Trung (xã Ba, huyện miền núi Đông Giang) trước đây thuộc diện khó khăn, không có việc làm ổn định. Sau khi có chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ), anh Trung được chính quyền địa phương hỗ trợ làm hồ sơ vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi XKLĐ. 

Sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản, với mức thu nhập khoảng 32 triệu đồng/tháng, gia đình anh Trung nay khá giả hơn nhiều. Ngoài số tiền tích lũy, trình độ tay nghề của anh được nâng lên. Có vốn, anh Trung trở về quê đầu tư kinh doanh vận tải, có nguồn thu đáng kể, giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

Tại huyện Nam Trà My, nhờ chương trình hợp tác giữa UBND huyện với quận Ham Yang (Hàn Quốc) đưa lao động sang làm việc thời vụ, nhiều gia đình trước đây rất khó khăn nay đã đổi đời. Điển hình, vợ chồng anh Đinh Văn Thôi và chị Hồ Thị Tuyết (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cùng sang Hàn Quốc làm việc thời vụ vào năm 2023. 

Sau 5 tháng, hai vợ chồng tích góp được hơn 350 triệu đồng. "Chúng tôi rất phấn khởi vì chuyến đi thành công ngoài mong đợi, mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được 75 triệu đồng, chủ thấy làm việc chăm chỉ nên thưởng thêm tiền sinh hoạt" - chị Tuyết phấn khởi.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết năm 2024, địa phương có 90 lao động xuất cảnh làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài, gồm: Làm thời vụ tại quận Hamyang (Hàn Quốc), tại Ả Rập Saudi và Liên bang Nga. Bình quân thu nhập của lao động xuất ngoại đạt 25-40 triệu đồng/tháng, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã đưa hơn 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào... Để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các ngành chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, rà soát nhu cầu của lao động để tư vấn, định hướng cho người lao động.

Tỉnh Quảng Nam xác định XKLĐ là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm, sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về XKLĐ. 

"Hiện tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi XKLĐ. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với năng lực" - ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, cho biết.

Theo nld