leftcenterrightdel
 Người lao động được tư vấn trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh Quảng Bình

 

Tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) bất hợp pháp đã trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Những giấc mộng đổi đời từ việc lao động bất hợp pháp không chỉ đẩy người lao động (NLĐ) gặp nhiều rủi ro, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công tác XKLĐ và mối quan hệ hợp tác lao động quốc tế.

Trắng tay

Anh N.V.T (35 tuổi; thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) - vừa trở về từ Hàn Quốc - đã kể lại hành trình đầy cay đắng của mình. Năm 2022, anh vay vốn ngân hàng để đi XKLĐ ở Hàn Quốc qua đường chính ngạch với công việc làm cơ khí trong nhà máy.

Dù có công việc ổn định với mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng nhưng khi nghe bạn bè rủ rê, anh T. đã quyết định nhảy việc ra ngoài để lao động tự do tại một công trường xây dựng với thu nhập cao hơn, sau hơn 1 năm đặt chân đến xứ người. Song, chỉ sau 3 tháng thì anh bị lực lượng chấp pháp nước bạn bắt giữ. 

"Thời gian đầu mọi thứ đều ổn. Nhưng việc cư trú bất hợp pháp khiến tôi rất áp lực vì phải sống trong cảnh lẩn trốn, do sợ cảnh sát phát hiện. Nhưng rồi một ngày, tôi bị giam giữ vì không có giấy tờ hợp lệ và trục xuất về nước. Phần nhiều tiền tích góp đã gửi về quê, số còn lại hết sạch vì đóng phạt và chi cho vé máy bay hồi hương" - anh T. buồn rầu.

Sau khi phải về nước với hai bàn tay trắng, anh vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng. Với "lý lịch đen" này, anh bị cấm xuất cảnh và giấc mộng XKLĐ lần nữa tan vỡ. Hiện anh đành trở lại với công việc thợ hồ như trước đây.

Trường hợp chị Trần Thị H. (29 tuổi; quê ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng rơi vào hoàn cảnh éo le. Qua lời giới thiệu của một người quen, chị được hứa hẹn đi Nhật Bản làm giúp việc gia đình với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Không qua các bước tuyển chọn chính thống, chị được đưa sang Nhật Bản theo visa du lịch. Sau đó, chị ở lại làm việc bất hợp pháp trong một xưởng may tư nhân. 

Công việc nặng nhọc, điều kiện sống tồi tàn nhưng chị không dám than phiền vì sợ bị phát hiện. Chỉ sau hơn 6 tháng, xưởng may của chị bị kiểm tra. Chị H. cùng nhiều lao động bất hợp pháp khác bị bắt và bị trục xuất. Khoản tiền vay mượn để chi trả phí môi giới chưa kịp trả, chị trở về quê với gánh nặng nợ nần.

Thống kê từ Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy tính đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Bình có gần 1.000 lao động tập trung tại huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Ninh và TP Đồng Hới... cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ

Ông Trần Minh Đông, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Trạch, cho biết tình trạng lao động, cư trú bất hợp pháp của địa phương có chiều hướng gia tăng tại một số thị trường có nhu cầu lao động cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Dù đã được cảnh báo nhưng vì NLĐ thiếu hiểu biết, muốn ra ngoài làm để cải thiện thu nhập mà không hề nghĩ đến nhiều rủi ro như: ngược đãi, nợ lương, bị trục xuất... "Hậu quả là họ không chỉ tự tước đi quyền lợi mà còn ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa địa phương và các thị trường tiếp nhận lao động. Nhất là họ làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam trong mắt các thị trường tiềm năng khác, gây nhiều hệ lụy phía sau" - ông Đông đánh giá.

Còn ông Phạm Tiến Nam, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết để nâng cao hiệu quả XKLĐ, cần chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, giúp họ có kiến thức pháp luật, hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, từ đó an tâm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Ngoài ra, vận động lao động về nước theo quy định sau khi hết hợp đồng, có cam kết xác định trách nhiệm của gia đình NLĐ trong việc vận động người thân trở về nước. "Về lâu dài, cần có chính sách tạo việc làm cho NLĐ khi trở về nước. Bởi đây là cơ sở để khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, tránh lãng phí nguồn lực và giúp họ yên tâm trở về nước sau khi hết thời gian lao động tại nước ngoài. Từ đó, hạn chế người bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp" - ông Nam nói.

Hiện công tác đưa người đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài ở Quảng Bình vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về chất lượng nguồn lao động. Phần lớn người đi là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và ý thức kỷ luật còn hạn chế.

Do đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đề nghị các cấp, ngành cần phối hợp quản lý chặt chẽ NLĐ từ khâu tuyển chọn, tư vấn, đến giám sát quá trình làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ khi họ trở về nước. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động XKLĐ để tạo môi trường trong lĩnh vực này minh bạch, an toàn và hiệu quả. 

"Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết trong giai đoạn 2017 - 2023, tỉnh Quảng Bình có 1.267 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước nhưng có hơn 700 người không về đúng hạn và cư trú bất hợp pháp.

 

Phát huy nguồn lực lao động sau khi về nước

Theo ông Phạm Tiến Nam, hiện năng lực của một số doanh nghiệp XKLĐ còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; việc quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về NLĐ cũng chưa hiệu quả. Qua đó, một số tổ chức và cá nhân vẫn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, trong khi công tác hỗ trợ và phát huy nguồn lực lao động sau khi trở về nước chưa thực sự tối ưu.

 

Theo nld