|
|
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc |
Hiện nay, để sang Nhật Bản làm việc, người lao động Việt Nam phải đối mặt với một khoản chi phí đáng kể, bao gồm phí môi giới, phí đào tạo kỹ năng và tiếng Nhật, phí làm hồ sơ, thủ tục xuất cảnh, và chi phí sinh hoạt ban đầu khi mới đến Nhật.
Tổng chi phí có thể lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào chương trình lao động và đơn vị môi giới. Với nhiều lao động, đặc biệt là những người đến từ vùng có thu nhập thấp, khoản tiền này là một gánh nặng lớn, gây áp lực tài chính và cản trở quyết định làm việc tại Nhật.
Tại Hội chợ việc làm EPS và IM Japan diễn ra ngày 8-11 tại Hà Nội, ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đã thông tin các thay đổi trong chính sách nhân lực của quốc gia này.
Cụ thể, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật sửa đổi vào tháng 6 vừa qua, nhằm thiết lập chương trình "Phát triển kỹ năng nghề nghiệp" để dần thay thế chương trình thực tập sinh kỹ năng, với mục tiêu giữ chân và thu hút lao động nhập cư lâu dài, cải thiện quyền lợi và điều kiện làm việc.
Chính sách mới sẽ cho phép công ty tiếp nhận và người lao động cùng chia sẻ chi phí xuất cảnh, giảm bớt gánh nặng tài chính. Đặc biệt, lao động có quyền tự do chuyển việc khi đáp ứng một số điều kiện, thay vì phải gắn bó 3 năm với công ty ban đầu như trước.
Điều này tạo điều kiện để lao động tìm môi trường làm việc phù hợp hơn và tránh rủi ro từ chủ lao động không hợp tác. Chương trình cũng là bước đệm để lao động gia nhập diện kỹ năng đặc định, yêu cầu trình độ cao hơn và cho phép thời gian làm việc dài hạn tại Nhật.
|
|
Lao động Việt Nam được đào tạo bài bản trước khi sang Nhật Bản làm việc |
"Dù mức lương chưa tăng ngay, chương trình mới hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn chương trình thực tập kỹ năng hiện tại. Chính sách này giúp lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, mở ra cơ hội nghề nghiệp dài hạn và cải thiện phúc lợi lao động" - ông Ishii Chikahisa nói.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mở rộng tiếp nhận lao động ở một số ngành mới, với các kỳ thi kỹ năng sắp tới trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống vào tháng 12-2024 và sản xuất thực phẩm, đồ uống vào tháng 2-2025"
Ông Ishii Chikahisa cũng gửi lời cảm ơn đến các lao động trẻ Việt Nam vì đã chọn Nhật Bản là nơi phát triển bản thân và nhấn mạnh rằng Chính phủ Nhật đang cải thiện môi trường làm việc, tạo mọi điều kiện để người Việt sống và làm việc hạnh phúc tại Nhật Bản.
Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt 600.000 người, trong đó có cả lao động và du học sinh, là cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản tính đến tháng 6-2024. Năm 2023, khoảng 80.000 người Việt sang Nhật làm việc, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các quốc gia phái cử.
Chương trình thực tập sinh kỹ năng, khởi xướng từ 1992, đã bộc lộ nhiều bất cập. Lao động làm việc từ 1 - 5 năm nhưng chỉ hưởng lương tối thiểu, không có thưởng hay phụ cấp như lao động bản địa và không được phép chuyển công việc dù gặp điều kiện làm việc không phù hợp.
Chương trình này bị chỉ trích là nhập khẩu lao động giá rẻ trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực của Nhật. Trước áp lực từ dư luận, vào tháng 4-2023, Nhật Bản đã thành lập hội đồng chuyên gia để xem xét loại bỏ chương trình này.
Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật, với hơn 200.000 người, đồng thời có số lao động diện kỹ năng đặc định cao nhất, đạt hơn 110.600 người.
Nhật Bản dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, tổng cộng 130.640 lao động Việt Nam đã xuất cảnh, đạt 104% kế hoạch năm. Trong số này, Nhật Bản tiếp nhận nhiều nhất với 62.722 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 48.533 lao động, Hàn Quốc 10.877 người, Trung Quốc 1.920 lao động, Singapore 1.774 lao động, Romania 824 lao động và các thị trường khác.
Riêng trong tháng 10, đã có 16.744 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Thị trường Nhật Bản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với 6.156 lao động, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 4.843 lao động, Hàn Quốc 4.601 lao động, Trung Quốc 216 lao động, Singapore 134 lao động, cùng các thị trường khác.
|
Theo nld