Ảnh minh họa

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng: “Trẻ em ở tuổi mới lớn thường né tránh tiếp xúc với bố mẹ và ưa giao tiếp với bạn bè. Ở độ tuổi này, các em muốn duy trì một khoảng cách nhất định với bố mẹ, không thích bố mẹ xâm nhập vào thế giới riêng tư và để ý những điều thầm kín của chúng”. Vậy nên trẻ thường có biểu hiện: Ít tâm sự, không hỏi han; không thích sinh hoạt chung với gia đình; thay đổi tính nết đột ngột. Những thay đổi này của các em khiến không biết bao nhiêu ông bố bà mẹ cảm thấy bực mình, phản ứng mạnh khi con cái không còn hỏi ý kiến bố mẹ nữa.

Những thay đổi đột ngột đó cũng giống như trận “mưa rào”. Vui đó, buồn đó, vừa ca hát xong lại ngồi lầm lầm lì lì, hay nổi quạu, càm ràm... Bố mẹ nên phân biệt đâu là những cơn “mưa rào” và đâu là “bão lòng”. Đừng quan tâm quá đáng đến những cơn “mưa rào” đó, rồi làm lớn chuyện lên.

Để có thể làm chủ tình hình, bố mẹ hãy để con có khu vực riêng tư, đừng dồn ép con, đồng thời cũng cho con biết rằng, bất cứ lúc nào con cần, bố mẹ đều sẵn sàng trao đổi với con tất cả mọi việc. Nhưng nếu thấy con ủ rũ, bỏ ăn, đóng cửa khóc lóc, bỏ học, thay đổi tính nết một cách đột ngột và có chiều hướng tăng dần thì bố mẹ cần sớm tìm cách tâm sự với con.

Bố mẹ nên hiểu, phải biết chấp nhận và thông cảm với lứa tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa thành người lớn của con. Cứ bình tĩnh theo dõi mọi thay đổi của con và giai đoạn này sẽ qua nhanh, mọi việc đâu lại vào đấy.

Võ Hoàng Nam