Các sinh viên Việt Nam ở Mỹ tổ chức ăn Tết. (Nguồn: BQT)
Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt -7 độ, gần 200 thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại New York và các bang khác đã tham dự đêm hội đón Xuân Nhâm Dần diễn ra tối 5/2 (tức sáng 6/2/2022, cũng là mùng 6 Tết - giờ Việt Nam) tại trung tâm thành phố New York với chủ đề “Mang Tết về cho New York".
Đây là chương trình quy mô được Hội Thanh niên, sinh viên New York tổ chức trở lại lần đầu tiên sau hai năm phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19.
Không giấu nổi sự phấn khởi, Lê Hoàng Bách, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Fordham, thành viên Ban Tổ chức sự kiện, chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Hội Sinh viên Việt Nam tại New York quyết định tổ chức sự kiện Tết Nhâm Dần một phần vì mọi người đã được tiêm vaccine đầy đủ và một phần vì bọn em muốn tạo ra cơ hội kết nối, chia sẻ cho các sinh viên đang học tập tại New York cũng như tại các nơi khác trên nước Mỹ để tìm lại một phần giá trị của quê hương.”
Thật vậy, không khí Tết cổ truyền dân tộc được tái hiện đậm đà với những gian hàng chợ quê, trò chơi dân gian, góc tập viết thư pháp, gấp bao lì xì hay tập tô quạt giấy.
Những thanh niên thời 5.0 vốn chỉ quen với những chiếc máy tính và trò chơi công nghệ không giấu nổi sự thích thú được trải nghiệm nét văn hóa xa xưa mà hình như chỉ vào dịp Tết mới được tái hiện.
Đắm mình say sưa theo những nét bút lông mềm mại, nắn nót từng chữ mực đen uốn lượn, Nguyễn Quỳnh Hương, cựu sinh viên trường Đại học Augustana, không giấu được nụ cười thích thú lần đầu tiên được ngồi vẽ thư pháp giữa New York, trong không gian rất Việt và toàn các bạn nói tiếng Việt.
Khi ở Việt Nam, mỗi dịp Xuân về, Hương luôn tới Quốc Tử Giám vẽ thư pháp nhưng khi được trải nghiệm vẽ ở New York, em cảm thấy rất lạ, rất thú vị.
Các thanh niên háo hức thử các món ăn truyền thống, say mê tham gia các trò chơi khiến mỗi người có cảm giác như đang lạc vào một góc phố Tết đâu đó ở Việt Nam.
Evan Courtemanche, người Mỹ, lần đầu tiên tham dự Tết Việt với các bạn Việt Nam, cho biết anh vừa thử mấy món và rất thích hương vị các món Việt dù chưa thể nhớ hết tên của các món đó.
Phan Văn Nhật Huy, sinh viên đang học Tiến sỹ tại trường Đại học Rutgers, lại say mê giở từng trang sách ở quầy trao đổi sách. Huy chia sẻ: “Trao đổi sách ở sự kiện Tết như thế này là ý tưởng rất hay vì mỗi người có gu sách riêng và khi trao đổi sách đã đọc như vậy, mình có thể tìm hiểu được gu sách của các bạn và mình mở rộng được kiến thức của mình hơn."
Góc gameshow “Giọng ải Giọng ai” cũng thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia và chốc chốc những tràng pháo tay và những trận cười lại lan khắp không gian nhỏ bé nhưng ấm cúng.
Lê Minh Anh, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Fairfield và là “thủ lĩnh chính” của sự kiện không, giấu nổi xúc động khi chứng kiến lễ hội Tết mà các em đã mất ăn, mất ngủ những ngày qua lên kế hoạch đã thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia hơn cả kỳ vọng ban đầu.
Minh Anh chia sẻ để tổ chức được sự kiện này, Ban Tổ chức đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, từ khâu tìm tài trợ cho tới quảng bá sự kiện tới giới thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York và các vùng phụ cận.
Cô cho biết nguyên nhân là vì “các doanh nghiệp Việt tại Mỹ đều gặp khó khăn về tài chính sau đại dịch Covid-19 và cũng chính vì đại dịch mà Hội Sinh viên New York lâu nay không duy trì được hoạt động thường xuyên trong hai năm qua .”
Đặng Hoàng Anh, sinh viên năm cuối trường Đại học Baruch, cũng là một thành viên Ban Tổ chức, bày tỏ "mong muốn tạo ra cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở New York một món ăn tinh thần, kết nối, gặp gỡ nhau, mang lại cho nhau niềm vui và cũng để các bạn thấy rằng những ngày lễ quan trọng như Tết Nguyên đán này vẫn được tổ chức ở đây, dù tất cả đang ở xa quê hương.”
Chợ Tết đầu Xuân Nhâm Dần năm nay đã khiến các bạn trẻ Việt Nam đã xa Tổ quốc được sống những giây phút vui vẻ, đầm ấm, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, không thể dễ dàng bay về Việt Nam ăn Tết như trước.
Đây cũng là dịp để các bạn trẻ hướng về quê hương, nỗ lực không ngừng lan tỏa và phát triển những nét tinh tế của di sản văn hóa Việt.
Theo Vietnamplus