Leng nộp hồ sơ từ 16 tháng trước song không nhận được phản hồi từ bất kỳ đơn vị nào. Điều này khiến cô cảm thấy căng thẳng vì có thể bỏ lỡ ước mơ du học.

Chung cảnh ngộ với Leng, hơn 140.000 du học sinh khác vẫn đang chờ đợi hy vọng được đặt chân đến xứ sở hoa anh đào.

Nhật Bản ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài không phải là công dân hay thường trú nhân từ cuối tháng 11/2021, vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Theo Kyodo News, chính sách này sẽ có hiệu lực ít nhất cho đến cuối tháng 2 năm nay.

 
Giac mo du hoc Nhat tan thanh may khoi anh 1

Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh do biến thể Omicron của Nhật Bản đã đẩy du học sinh vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ảnh:The Japan Times.

Chờ đợi hy vọng

Cô gái 26 tuổi sinh ra ở Singapore nhưng lớn lên tại Australia. Do có bà nội là người Nhật, cô muốn chuyển đến sống ở đây từ lâu.

Leng đã bày tỏ ý định này với cha mẹ từ năm 14 tuổi dù biết rằng cô sẽ phải đối mặt với rào cản về ngôn ngữ, văn hóa khi không phải là người Nhật 100%.

Cô có bằng thạc sĩ về kiến trúc nhưng đã chuyển sang ngành thiết kế sau khi đại dịch bùng phát.

“Tôi cảm thấy ngành xây dựng đang hoạt động không tốt lắm nên quyết định lấn sân sang lĩnh vực khác. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi đã gặp một đối tác người Australia nhưng hiện sinh sống và kinh doanh tại Nhật Bản”, Leng kể.

Cô cho rằng đây là cơ hội tốt để thực hiện ước mơ của mình. Theo Leng, các hạn chế nhập cảnh của đất nước mặt trời mọc quá nghiêm ngặt dẫn đến việc người nước ngoài bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

 
Giac mo du hoc Nhat tan thanh may khoi anh 2

Nhật Bản thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ do lo ngại biến thể mới. Ảnh:The Japan Times.

Bản thân cô cũng bị mắc kẹt trong trạng thái lấp lửng, không có cách nào để quay lại cuộc sống cũ.

Vào tháng 10 năm ngoái, Leng đã trở về Singapore do tình hình Covid-19 ở Australia ngày càng tồi tệ.

Theo chính sách hiện hành của Nhật Bản, người nước ngoài không phải thường trú nhân không thể nhập cảnh vào Nhật Bản trừ khi họ là "trường hợp ngoại lệ đặc biệt".

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của nước này là không hợp lý và có thể dẫn đến phân biệt đối xử với người nước ngoài.

Một số du học sinh vẫn tiếp tục chờ đợi tín hiệu mới trong khi những người khác đã từ bỏ hoặc thay đổi điểm đến.

Từ bỏ ước mơ du học

Nhiều người không chờ được đã chuyển sang các nước châu Âu chấp nhận sinh viên quốc tế. Trong khi đó, đối với Anais Cordeiro de Medeiros (29 tuổi, người Brazil) kế hoạch du học Nhật Bản đã tan thành mây khói.

Cô gái dự kiến học cao học ở Tokyo trong 2 năm tính từ tháng 4/2020. Trước đó, cô đã hoàn thành mọi thủ tục để bay đến Nhật. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ chuyển hướng tệ hơn khiến kế hoạch của Anais Cordeiro de Medeiros đành phải tạm hoãn.

"Tôi bỏ việc, bán xe và làm mọi thứ để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mặc dù có nhiều khó khăn, tôi chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ đến Nhật", cô bày tỏ. 

 
Giac mo du hoc Nhat tan thanh may khoi anh 3
Giac mo du hoc Nhat tan thanh may khoi anh 4

Nhiều người nước ngoài bày tỏ mong muốn chính phủ Nhật Bản nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh. Ảnh:Tokyo Weekender, Stuff.

Tuy chênh lệch múi giờ đến 14 giờ, cô vẫn quyết định theo học trực tuyến và sẵn sàng khởi hành ngay lập tức khi lệnh cấm được nới lỏng.

"Đồng hồ sinh học của tôi bị thay đổi lộn xộn. Nếu đến Nhật, tôi có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn. Quy định này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội, không chỉ với những người như tôi mà còn cả Nhật Bản”.

Trong gần 2 năm, Anais Cordeiro de Medeiros đã đặt vé máy bay hơn 10 lần và hoàn thành luận văn thạc sĩ của mình bằng cách nghiên cứu từ xa. Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ kịp thời, cô có thể tham dự lễ tốt nghiệp vào tháng 3/2022.

Davide Rossi, người điều hành một công ty hỗ trợ sinh viên nước ngoài, cho rằng quy định của Nhật Bản là không công bằng và vô lý.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò của truyền thông nước này lại cho thấy hơn 80% người dân ủng hộ các biện pháp thắt chặt biên giới.

“Tôi nghĩ chính phủ nên đưa ra một tiêu chí và thời gian rõ ràng để cho phép người nước ngoài nhập cảnh, ít ra họ biết phải chuẩn bị những gì. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc giữ lệnh cấm đi lại không có lợi cho người dân, cả nước Nhật và thế giới”, Rossi bày tỏ.

Theo Zing