|
|
Dung Hà (30 tuổi), thực tập sinh ngành thủy sản ở tại thành phố Tottori gần 6 năm. Ảnh: NVCC. |
Đồng yen Nhật Bản hôm 14/7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm kể từ tháng 10/1998, xuống còn 0,0072 USD mỗi yen. Kể ngày 14/7 đến nay, giá yen đã tăng chút đỉnh nhưng không đáng kể.
Đồng yen suy yếu ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch chi tiêu, gửi tiền về quê nhà của rất nhiều lao động nước ngoài ở Nhật, trong đó có người Việt.
“Nhà tôi sang đây cả chục năm rồi, nhưng đây là lần đầu tôi thấy giá yen rớt thê thảm như thế này”, chị Đặng Hường, sống ở Nagoya, nói với Zing và cho biết thêm một số kế hoạch của gia đình đã bị gián đoạn vì tình trạng này.
Chị Dung Hà (30 tuổi), thực tập sinh ngành thủy sản tại thành phố Tottori gần 6 năm, chia sẻ thêm: “Ban đầu nghe tin đồng yen mất giá kỷ lục, tôi buồn và hụt hẫng. Nhưng sau một thời gian, tôi đã buông xuôi. Tôi xóa tất cả ứng dụng thông báo giá yen vì đã quá mệt mỏi”.
Không dám gửi tiền về cho gia đình
Một trong những ảnh hưởng lớn từ việc đồng yen mất giá mà rất nhiều lao động và du học sinh Việt ở Nhật vướng phải là họ trở nên dè dặt trong việc gửi tiền về cho gia đình, vì “xót tiền” và “lỗ quá nặng”.
Tính tỷ giá ngày 21/7, mỗi yen tương đương với 0,0072 USD hoặc 169,27 VNĐ, giảm hơn 20% so với mức cao trước đây, vào khoảng 0,0097 USD hoặc 224,2 VNĐ hồi tháng 11/2020, theo dữ liệu của Wise.com.
“Thỉnh thoảng bố mẹ tôi có gọi điện hỏi. Ngày xưa, khi nhà cần tiền, bố mẹ chỉ cần nói một tiếng là tôi sẽ gửi tiền về liền. Nhưng lúc này, có lẽ đi vay ngân hàng ở Việt Nam là lựa chọn tốt hơn”, Dung Hà cho biết.
“Bình thường ngày xưa, 10.000 yen quy đổi 2,1-2,2 triệu VNĐ, có thể tiêu xài thoải mái. Nhưng lúc này số tiền ấy chỉ còn 1,6-1,7 triệu. Tôi thấy tiếc công tôi lao động. Thời điểm này, mọi người cũng hạn chế gửi tiền hoặc về Việt Nam chơi vì phải đổi tiền dùng”, Dung Hà nói thêm.
Ngọc Huyền (23 tuổi), sống ở Tokyo, chia sẻ tương tự: “Bình thường, tôi đều gửi tiền về cho bố mẹ hàng tháng, nhưng từ đầu năm đến giờ chưa gửi tiền về. Đôi lúc kẹt, bố mẹ cũng gọi điện ngỏ ý, nhưng sau khi xem xét thấy giá thấp quá, cả tôi, cả bố mẹ đều xót nên đành bảo nhau thôi tích lại, khi nào giá yen tăng rồi gửi”.
“Cũng may năm ngoái tôi đã gửi một số kha khá, và bố mẹ tôi vẫn có thể đi làm, dù không được nhiều, nên vẫn có thể duy trì được cuộc sống”, Huyền nói thêm.
Huyền cũng cho biết giờ cứ mỗi 20.000 yen, cô chỉ đổi được 3 triệu VNĐ, thấp hơn hẳn một triệu VNĐ so với trước kia.
Tiến thoái lưỡng nan
Cũng như nhiều người khác, anh Phạm Linh (36 tuổi), làm việc ở Nhật Bản 8 năm, cũng cho biết ít nhất từ tháng 3 đến nay, anh không dám gửi nhiều tiền về vì yen suy yếu. Khác với trước đây gửi tiền đều hàng tháng, giờ anh chỉ gửi đủ để gia đình ở nhà trang trải cuộc sống, còn tiền dư anh chọn giữ lại tiết kiệm.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, gia đình có việc gấp nên anh phải về Việt Nam một thời gian, anh buộc phải đổi số tiền tiết kiệm sang tiền Việt với mức giá thấp.
“Lỗ cũng chấp nhận đổi vì còn phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Thời điểm đó, cứ 10.000 yen thì tôi hụt mất 400.000 VNĐ so với trước đây”, anh ngậm ngùi cho biết và nói thêm rằng một số kế hoạch của anh, như trả nợ và làm nhà, cũng bị ảnh hưởng.
Về phần Dung Hà, cô cho biết mỗi tháng cô “lỗ” khoảng 4,5 triệu đồng so với tỷ giá trung bình trước đây, vào khoảng 200 VNĐ mỗi yen.
“Nếu tính tổng số tiền tôi tích lũy tới nay, tôi sẽ 'lỗ' khoảng 200 triệu”, cô tính.
|
|
Giá yen Nhật giảm mạnh trong vài tháng gần đây. Nguồn: Wise.com. |
Dung Hà cho biết bản thân “chưa bao giờ nghĩ yen sẽ tụt giá đến mức ấy” nên tiết kiệm luôn bằng đồng tiền Nhật chứ ít khi gửi tiền về Việt Nam, với dự định “gom một khoản lớn rồi về nước mua đất”.
“Đúng thời điểm tôi gom đủ tiền để mua mảnh đất mình muốn thì yen giảm. Việc này một phần cũng do tôi một thời gian quá chú tâm vào công việc mà không theo dõi tin tức, ngẩng đầu lên thì yen đã tụt không phanh”, Dung Hà nói.
Cô cũng chia sẻ bản thân dự định về Việt Nam vào cuối năm nhưng với tình hình này, việc trở về đang khiến cô khó xử. “Tôi muốn về, nhưng yen hiện thấp. Vậy nên giờ về cũng không được mà ở lại cũng không xong”.
“Ngày nào tôi và bạn bè thực tập sinh cũng nói chuyện về việc yen mất giá. Nhóm chúng tôi đã ở Nhật tương đối lâu, người nào cũng có dự định về nước để lo chuyện gia đình, buôn bán, làm ăn… nên ảnh hưởng từ chuyện này rất lớn. Chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan”, Dung Hà nói thêm.
Cũng như Dung Hà, chị Đặng Hường than ngắn thở dài vì “lỗ”.
“Suốt cả chục năm, chúng tôi làm lụng vất vả để dành được một số tiền, định bụng năm nay gửi về Việt Nam để mua một mảnh đất nhỏ, nhưng giá yen giảm thế này nên đành phải gác lại kế hoạch”, chị nói.
Chị cho biết với số tiền 5 triệu yen, nếu giờ gửi về Việt Nam, gia đình chị có thể bị hụt khoảng 200 triệu VNĐ so với cùng thời điểm này năm ngoái, với mỗi yen khi đó đổi được gần 210 VNĐ.
“Tôi không mong đợi yen có thể đạt lại mức cao cũ, nhưng tôi hy vọng đến cuối năm hoặc sang năm, giá yen có thể tăng đôi chút và ổn định hơn”, chị nói thêm.
“Không ăn thua”
Nhiều lao động cho biết không chỉ việc gửi tiền về Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngay cả cân bằng chi tiêu của họ cũng đang lao đao vì yen suy yếu cộng thêm tác động của lạm phát.
Ngân hàng Trung ương và chính phủ Nhật Bản tháng trước đã đưa ra một tuyên bố chung hiếm hoi rằng họ có thể can thiệp nếu tình trạng yen mất giá vẫn tiếp diễn.
Việc đồng yen rớt giá kỷ lục được cho là bắt nguồn từ sự chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước khác ngày càng gia tăng. Trong khi phần còn lại của thế giới đang tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát tăng vọt, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giảm một nửa lãi suất.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của mình là năm 1998, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước đó, Tokyo đã can thiệp để chống lại sự suy yếu của đồng yen vào năm 1991-1992.
|
|
Nguyễn Trọng Lâm (31 tuổi), thực tập sinh ngành thép tỉnh Ishikawa từ cuối năm 2015. Ảnh: NVCC. |
Giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 4 cao hơn 2,1% so với một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Trung ương không thể duy trì mục tiêu giữ lạm phát không vượt mức 2%, theo Reuters.
“Bão giá, cộng giá yen giảm, thì đối tượng khổ nhất là du học sinh, nhất là những người tự túc không nhờ tiền trợ cấp của gia đình và cũng không có học bổng”, Huyền nhận định sau thời gian trải nghiệm cuộc sống vừa học vừa làm của mình trước khi tốt nghiệp ở Nhật.
Họ không được đi làm thêm quá số giờ quy định, đa số cũng không được tăng lương. Bao nhiêu gánh nặng từ tiền học, nhà ở, ăn uống, sinh hoạt, đến tiền gửi về cho gia đình đều dựa vào tiền làm thêm bị giới hạn, cô nói.
“Cũng may tôi vừa chính thức kết thúc chương trình học hồi tháng 4, nên giờ đã có thể dành toàn thời gian cho công việc, nên cũng không quá khó khăn trong các khoản chi, chỉ có việc gửi tiền về cho bố mẹ bị ảnh hưởng”, Huyền cho biết thêm.
Trong khi đó, anh Linh thậm chí than rằng với tỷ giá yen hiện nay, số tiền anh có thể tích cóp được từ công việc hiện tại “không ăn thua”, vì trừ đi tất cả chi phí, số tiền còn lại của anh không đáng là bao.
Dù không gửi tiền về cho gia đình, Nguyễn Lý (27 tuổi), du học sinh ở thành phố Ueda, cho biết cô cũng chịu ảnh hưởng chung từ việc thuế tăng và giá cả tiêu dùng tăng do yen mất giá và lạm phát tăng.
“Trước kia thuế tiêu dùng là 8%, nay đã tăng lên 10%. Bình thường lo ‘cày’ mà đôi lúc tôi còn sợ không đủ tiền đóng học, nên giờ yen giảm khiến chi tiêu mỗi tháng dội lên không ít”, Lý nói.
Đồng tình với những người khác, anh Nguyễn Trọng Lâm (31 tuổi), thực tập sinh ngành thép tỉnh Ishikawa từ cuối năm 2015, khuyên những ai đang có ý định đến Nhật để làm việc: “Nếu phải vay tiền ngân hàng hoặc của người thân để đi, tôi không nghĩ hiện tại là thời điểm tốt”.
Anh cũng chia sẻ lại trải nghiệm của mình: “Hồi yen còn cao, tôi mất hơn một năm để trả nợ sau khi sang đây. Nhưng với tỷ giá thấp như hiện tại, các bạn mới sang sẽ phải làm khoảng 1,5-2 năm mới trả hết nợ”.
Theo zingnews