Snow Nguyễn - chủ nhà hàng Viki Vietnamese Street Food ở Auckland (New Zealand) - vẫn nhớ về những ngày Auckland chịu cảnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất - phong tỏa cấp độ 4.
Đường phố vắng vẻ, người dân phải ở nhà, chỉ có các dịch vụ thiết yếu được mở cửa, người dân không được phép tụ tập, chỉ được ra đường đi tập thể dục. Nếu ai đó đi chặng dài, cảnh sát sẽ hỏi lý do ra đường và cần phải xuất trình giấy tờ hợp lệ.
Những ngày tháng đó có thể sẽ không trở lại nữa sau khi New Zealand trở thành nước tiếp theo từ bỏ chiếc lược "Zero Covid-19", tức phong tỏa nghiêm ngặt để đưa số ca nhiễm về 0.
Chiến lược này giúp New Zealand an toàn suốt 18 tháng qua, nhưng đến ngày 4/10, gần hai tháng sau đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta gây ra, quốc gia này đã xoay trục chiến lược chống dịch, tiến tới sống chung với Covid-19, dù tỷ lệ tiêm chủng chưa thực sự cao.
Các chuyên gia y tế tin rằng việc mở cửa có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng số ca mắc Covid-19, khiến New Zealand rơi vào cảnh giống nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, nói chuyện với Zing, một số người Việt lại cho biết họ đã quá mệt mỏi với cuộc sống trong vòng phong tỏa.
“Biến chủng Delta khiến người ta nhận ra không thể kiểm soát nó bằng chuyện phong tỏa nữa”, Khánh Duy, sinh viên tại Đại học Auckland, cho biết.
“Đóng cửa quá lâu rồi, phần lớn mọi người ở đây đều đã tiêm vaccine, nên tôi cảm thấy khá yên tâm và vui mừng nếu mở cửa”, Hà Sơn - 30 tuổi, sống tại thành phố Auckland, khu vực phong tỏa hơn 8 tuần nay và đạt 85% dân số tiêm ít nhất một mũi vaccine - nói.
Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại những người lớn tuổi, có bệnh nền sẽ là người phải trả giá lớn nhất cho việc mở cửa.
"Kế hoạch mạo hiểm với người dễ bị tổn thương"
Ngày 4/10, Thủ tướng Jacinda Ardern đã giới thiệu kế hoạch ba bước để đất nước mở cửa, dần quay lại cuộc sống bình thường mới.
Bà cho biết các đợt phong tỏa sẽ kết thúc khi 90% dân số đủ điều kiện được chủng ngừa. 46,9% dân số New Zealand đã tiêm chủng đầy đủ, trong khi 67,8% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine, tính đến ngày 10/10.
Với tỷ lệ này, các chuyên gia y tế vẫn tin rằng số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng nếu mở cửa, trong số đó có nhà vi sinh vật học Siouxsie Wiles. Bà cho rằng New Zealand sẽ đón nhận kết quả tương tự thế giới, với người nghèo, người khuyết tật,… sẽ chịu thiệt thòi nhất.
|
Khu nhà anh Hà Sơn vắng vẻ trong đợt Auckland phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
Tiến sĩ Sarb Johal, một nhà tâm lý học, nói: “Mọi người lo sợ không còn sự an toàn mà hệ thống cảnh báo cũ, vốn mang lại cho chúng ta trong suốt thời gian dài”.
Một số chính trị gia cũng tỏ ra lo lắng trước kế hoạch này.
“Lộ trình dự kiến của chính phủ về việc sống chung với Covid-19 có những rủi ro nghiêm trọng đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương”, lãnh đạo đảng Xanh Marama Davidson phát biểu.
“Hệ thống y tế công cộng vẫn ổn cho đến nay, nhưng chúng tôi lo ngại việc nới lỏng hạn chế quá sớm có thể khiến y tá, bác sĩ và tất cả nhân viên y tế đang làm việc chăm chỉ - những người giữ an toàn cho chúng ta - có thể bị quá sức”, bà nói thêm.
Quyết định rủi ro nhưng buộc phải làm?
Hà Sơn cho biết dù việc phong tỏa New Zealand thoải mái hơn một số nước khác - người dân có thể ra công viên gần nhà, đi siêu thị, tập thể dục trong thời gian này, những lệnh hạn chế vẫn gây bó buộc do nhiều dịch vụ không hoạt động hoặc hoạt động rất giới hạn.
“Đã 8 tuần nay tôi không được cắt tóc và rất khó chịu”, anh nói.
Tác động của chuyện phong tỏa không chỉ dừng lại ở những bất tiện thường ngày. Nhiều người Việt cũng chia sẻ bản thân phải chịu ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần.
Là người năng động, hướng ngoại, phải ở trong nhà 2 tháng liền khiến chị Snow không tránh khỏi cảm giác bức bí, tâm trạng không được thoải mái. Trước dịch, gia đình chị thường xuyên đi du lịch, tháng nào cũng tới các thành phố lân cận, dịp nghỉ giữa kỳ còn đi chơi xa 1 tới 2 tuần mới về.
|
|
Chị Snow Nguyễn tại công viên Cornwall Park ngày 11/10, nơi người dân Auckland tận hưởng buổi dã ngoại nhưng vẫn không quên giãn cách khi thành phố này vẫn phong tỏa cấp độ 3. Ảnh: NVCC. |
“Mình ở trong ký túc xá một mình. Hai tuần đầu hơi buồn vì trong ký túc xá có nhiều người tự cách ly. Giờ thì ký túc xá lại vắng do nhiều người về nhà”, anh Khánh Duy chia sẻ.
Trường của Duy đã quyết định cho sinh viên học online đến cuối năm học.
"Những ngành cần thực hành nhiều như bác sĩ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng ngành mình cũng bình thường. Thầy cô ghi hình bài giảng và sinh viên lên Zoom học", anh Duy cho biết. "Đi chợ cũng không cần đi, cứ tới giờ là xuống ăn tại bếp của ký túc xá".
Do đó, không giống như lo lắng của nhiều chuyên gia, tất cả người Việt được hỏi - đều đã tiêm vaccine Covid-19 - bày tỏ ủng hộ quyết định sống chung với dịch của chính phủ.
Theo Thảo Phan - nhân viên UI Designer, sinh sống tại thành phố Tauranga, phong tỏa ảnh hưởng nhiều đến kinh tế "cho nên dù muốn hay không, việc mở cửa lại là điều bắt buộc".
Sơn cũng cảm thấy đây là tin tốt với người lao động và doanh nghiệp, vì sống chung với dịch đồng nghĩa với mở cửa kinh tế. Anh Sơn làm việc trong lĩnh vực di trú, đã 2 năm nay anh có rất ít khách hàng và bị đặt trong nguy cơ phá sản rất cao.
Ngoài ra, anh Sơn cho biết tòa nhà anh ở có 3-4 gia đình người Việt. Họ đều mong ngóng đưa con đi tiêm để bọn trẻ có thể đến trường, giảm bớt áp lực cho phụ huynh.
Cứ phong tỏa là có trợ cấp
Đề cập đến những ý kiến phản đối chính sách mới, Duy cho rằng “đây không phải là lỗi của chính phủ, sớm muộn gì cũng phải mở, không thể ngồi chờ Covid-19 biến mất” vì rõ ràng sau nhiều tuần phong tỏa, điều này đã không xảy ra.
“Dẫu biết mở cửa sẽ có rủi ro, tôi tin chính phủ New Zealand sẽ cân nhắc biện pháp để mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả”, chị Snow cho hay.
Sơn “chưa bao giờ lo ngại hệ thống y tế không tốt, hay chúng tôi sẽ không an toàn”, anh nói.
“Khi thay đổi bất kỳ kế hoạch nào trong việc chống dịch, họ (chính phủ) đều họp bàn và xem xét kỹ lưỡng vấn đề, đưa ra các chính sách rõ ràng, chẳng hạn người dân được phép làm gì trong thời gian phong tỏa, có những gói hỗ trợ gì cho doanh nghiệp,...”, anh Sơn nói.
|
|
Người dân xếp hàng, giữ khoảng cách khi đi siêu thị trong thời điểm phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
Để đảm bảo an sinh xã hội, trong đợt phong tỏa, chính phủ New Zealand đã có những gói trợ cấp cho doanh nghiệp và người dân.
“Trước dịch tôi có đi làm thêm, giờ tôi vẫn nhận trợ cấp. Chính phủ trả cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả cho tôi”, anh Duy nói.
Tất cả những người đi làm có đóng thuế ở New Zealand đều nhận được trợ cấp lương (wage subsidy) trong đợt phong toả vừa rồi. Người làm việc toàn thời gian sẽ nhận 600 USD/tuần, người làm bán thời gian sẽ nhận 359 USD/tuần.
Về quy trình nhận trợ cấp lương, chủ doanh nghiệp sẽ đứng ra nộp đơn xin hỗ trợ lương cho toàn nhân viên. Tất cả quy trình đều được làm trực tuyến, thông báo là 3-5 ngày đơn sẽ được giải quyết.
"Nhưng thực tế tôi thấy rất nhanh, công ty tôi hôm nay nộp đơn ngày mai là nhận được tiền luôn. Công ty sẽ chuyển tiền vào tài khoản nhân viên hàng tuần như bình thường", Snow cho hay. "Không thể bằng mức thu nhập khi đi làm, nhưng ở nhà cũng không chi tiêu nhiều. Với mức sống cơ bản thì mức trợ cấp này khá thoải mái cho chi phí hàng tuần".
Thảo thì quan ngại khi số ca nhiễm tăng, người dân ngại ra đường, ngại ăn uống, sử dụng dịch vụ bên ngoài, kinh tế vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chị cũng lo lắng khác với người trẻ, những người lớn tuổi, dù đã tiêm chủng đầy đủ, sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19.
Theo zingnews