Hai cha con gốc Á chứng kiến thời khắc lịch sử của nước Mỹ 2020
Chiến thắng của ông Joe Biden đã được thông báo chính thức trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng như CNN, Wall Street Journal, New York Times, CNBC… (sáng 7.11 giờ New York). Đặc biệt lúc 20 giờ 30 tối cùng ngày (giờ New York), Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống Harris đã đọc bài diễn văn tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử.
Cư dân New York vui mừng khôn siết! Đường phố và các quán ăn ngoài trời chật kín người. Đó chính là văn hóa New York: thích tụ tập, và cũng chính là lý do thành phố của tôi được mệnh danh là “thành phố không ngủ”!
Thời tiết New York lại thuận lợi ở những ngày cuối tuần. Nắng ấm lên một cách kỳ diệu. Ngay trong những ngày giữa tháng 11 mà nhiệt độ hơn 20 độ C. Nắng vàng rực rỡ càng làm cho cảnh vật thêm sắc thắm. Thật là cơ hội để mọi người tràn ra các công viên. Tiếng cười nói, hò reo tưng bừng khắp nơi. Vui thì vui nhưng mọi người đều có ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng…
Khắp các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,… của đồng nghiệp và học sinh trường Đai học Brooklyn nơi tôi đang công tác đều ngập tràn những dòng chia sẻ vui mừng với kết quả với kết quả ứng cử viên mà họ đã tin tưởng.
“Người chiến thắng”
Các du học sinh (DHS) mà tôi biết sau tuyên bố chiến thắng của ông Joe Bidan đều hy vọng vào tương lai học tập và làm việc trong thời gian tới trên đất Mỹ. Mặc dầu tân Tổng thống đắc cử J.Biden chưa đưa ra những chính sách cụ thể nào nhưng qua những lời nói lúc tranh cử của ông, các DHS cũng thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”.
Học sinh và đồng nghiệp da màu của tôi thì rất vui vì phó TT (bà Harris) là nữ phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, có thể đại diện họ trong bộ máy chính trị cao nhất của Hoa Kỳ trong thời gian tới. Vấn đề về bình đẳng màu da, sắc tộc, giới tính luôn là chủ đề “nóng” ở Hoa Kỳ vốn đã biến thành những cuộc biểu tình rầm rộ ở những thành phố lớn, nhất là trong năm nay.
My (27 tuổi, New York, đang học Tài Chính ở Baruch) và An ( 25 tuổi, New York, học Công nghệ thông tin ở Connecticut) “mừng đến phát khóc” vì các em có hi vọng kiếm được việc làm trong ngành “hot” này trên đất Mỹ. Những DHS này được quyền ở lại Mỹ làm việc 1 năm sau khi kết thúc chương trình học và mơ ước của các em là được ở lại TP.New York để làm việc lâu dài tại Mỹ.
Dung (25 tuổi, thạc sĩ, ĐH Brooklyn) và Hà (19 tuổi, đại học Baruch) hôm nay cũng đi Manhattan để ăn mừng cùng người dân New York vì tương lai của các du học sinh có vẻ đã đã bớt bấp bênh hơn sau kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần này.
“Người thua cuộc”
Những “fan cứng” của ông Trump thì buồn rầu và im lặng. Một số đã kêu gọi đòi kiểm tra đếm lại phiếu hoặc hy vọng cục diện sẽ thay đổi sau khi Trump chính thức yêu cầu được kiểm phiếu lại ở mộ số bang “chiến trường”…
Dù kết quả này có làm người vui, người buồn thì tất cả chúng tôi ở trên đất Mỹ phải nhìn về tương lai để bắt đầu những dự định, kế hoạch học tập và làm việc tiếp theo, đảm bảo cho cuộc sống.
Cái gì cũng đi qua, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Các em học sinh của tôi mới sáng thứ tư vừa rồi (4.11) còn tranh cãi kịch liệt để bảo vệ ứng cử viên tổng thống của họ, thì giờ đây vui vẻ hào hứng trao đổi nhau kế hoạch học tập cụ thể sắp tới, hẹn nhau cuối tuần này tụ tập ở Mahattan vui chơi, thậm chí còn bàn với nhau về dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving – 26/11) và luôn cả Giáng sinh Chrishmas tháng 12.
Gia đình cô Hai liên tục theo dõi tin tức cuộc bầu cử Mỹ
Với họ, dù kết quả thế nào thì “giấc mơ Mỹ” không bao giờ tắt khi kết quả bầu cử do người dân quyết định bằng lá phiếu. Với nhiều Việt kiều sinh sống tại Mỹ lâu năm thì kết quả lần này tạo hai tâm trạng trái ngược.
Gia đình bác sĩ Thuan Cao (Việt Kiều Houston) vui mừng với chiến thắng của tân Tổng Thống Biden – “Chiến thắng! Nước Mỹ là của tất cả người dân Mỹ, không phải chỉ thuộc về tầng lớp thượng lưu giàu có như gia đình ông Trump".
Còn cô chú Hai “buồn như đưa đám” khi nghe tin ông Trump thất cử vì “kinh tế xuống ai đặt đồ ăn của cô để làm tiệc” (cô làm nghề nấu tiệc đem giao tận nhà cho cộng đồng Việt Nam ở Houston). Riêng chú Hai (73 tuổi) buồn quá nằm liệt giường luôn từ sáng đến giờ.Các chị thợ nail ở Brooklyn mà tôi biết tránh nói đến kết quả bầu cử. Họ vẫn còn chút hi vọng mơ hồ là ông Trump có thể thắng kiện.
Cô Nguyễn (61 tuổi, nhân viên phục vụ nhà hàng, Nam Cali) thất vọng tràn trề vì nhà hàng của cô lại tiếp tục làm ăn thất bát, nguy cơ mất việc treo lơ lửng trên đầu khi con gái cô vừa mới quyết liều mua một căn nhà gần 800.000 USD ở phố biển Westminster.
Anh Trung (30 tuổi, dược sĩ Houston, đã có thẻ xanh) cũng lo lắng vì thuế thu nhập của Đảng Dân Chủ có thể tăng lên đối với người có thu nhập trên 100.000 USD như anh. Anh nói: “Làm nhiều thì thuế cũng lấy hết. Năm sau tôi bớt làm overtime (làm thêm giờ) lại!”.
Chị Trang (31 tuổi, dược sĩ kiêm môi giới bất động sản, Houston) thì đang tìm cách để giảm thuế thu nhập năm nay ngay từ bây giờ bằng cách kê khai các khoản chi tiêu lớn như mua sắm đồ hiệu, trang trí nội thất, ăn ngoài, và đổi xe.
Sau kết quả bầu cử mà truyền thông loan báo, cộng đồng Việt kiều bên này vẫn còn nhiều câu hỏi “Liệu chính quyền Biden có quan tâm đến biển Đông và Việt Nam không?" Dù có đi bốn phương trời, người Việt mình vẫn luôn nhớ về quê hương.
Theo thanhnien