Ảnh minh họa.
Có câu nói “Điều tốt nhất mà một ông bố có thể làm cho con là đối xử tốt với mẹ của chúng”. Nếu một người đàn ông chỉ ích kỷ biết nghĩ cho bản thân, mặc kệ vợ con, thì chắc chắn không phải là người đàng hoàng. Trong đầu tôi có suy nghĩ như vậy khi đọc bài viết Đàn ông hậu ly hôn: Trên đỉnh tự do sung sướng của anh Lê Phúc.
Tôi đọc kỹ từng chữ trong bài, để mong thấy vài dòng anh viết về việc chăm lo cho con gái, hay việc xây dựng mối quan hệ với vợ cũ khiến hai đứa trẻ sống ở hai nhà đỡ tổn thương.
Nhưng những gì mà tôi có thể đọc, là lời lạnh lùng sắc lẻm của anh: “Tôi gửi hẳn con gái cho bà nội nuôi nấng, chăm sóc” hay “Tôi cũng chẳng lo lắng việc nuôi nấng con cái. Chỉ cần đưa tiền cho mẹ tôi mỗi tháng là xong”.
Sự rạch ròi tiền bạc của anh Phúc khiến tôi “gai người”. Người dưng còn biết thương xót những đứa trẻ sau khi cha mẹ ly hôn. Phải sống với bố hoặc mẹ, xa anh chị em của mình, dù có dư tiền bạc hay điều kiện tiện nghi đến thế nào, cũng không thể lấp đầy khoảng trống tình cảm, tâm lý trong đứa trẻ.
Anh cho rằng tiền có thể giải quyết tất cả. Liệu có giống nhiều đứa con khi trưởng thành sẵn sàng ném cho cha mẹ một khoản tiền là xong trách nhiệm làm con? Không biết anh Phúc đã bao giờ nghĩ về tương lai ấy? Khi con anh lớn, đọc được bài tâm sự của anh hoặc biết về việc anh đã từng là một người chồng như thế này, chúng sẽ nghĩ gì?
Toàn bộ bài viết, anh Phúc kể về cuộc sống hậu ly hôn sung sướng như là một chiến tích, kiểu hô lên rằng, nếu biết sung sướng thế này đã bỏ vợ sớm hơn. Anh không thèm viết nửa dòng trăn trở trách nhiệm làm cha, dù đã ly hôn hay trong thời gian còn sống chung nhà với vợ.
Anh nói rằng vợ cũ hay càm ràm, gọi anh về giữa cuộc nhậu, không cho anh đi thoải mái, vợ cầm hết tiền, coi anh là đồ nát rượu… Trong suy nghĩ của anh, chỉ toàn là lỗi phía vợ. Tuyệt nhiên không thấy anh nhận một chút sai lầm nào về mình.
Anh Lê Phúc có thử nghĩ, anh sẽ thế nào nếu trong vai người vợ suốt ngày phải ở nhà chăm con, cầm đồng lương ba cọc ba đồng, cân đối thu chi không đủ, khi trăm thứ đổ đầu, chồng lại vô trách nhiệm, chỉ tối ngày nhậu nhẹt, sa đà nợ nần?
Chồng đã không biết giúp đỡ, hỏi han vợ, mà ngồi vào mâm cơm còn… thở dài vì toàn món cũ?
Anh là ai trong cái gia đình ấy? Anh có biết ý nghĩa của hôn nhân là gì không? Đó là một mối quan hệ mà vợ chồng phải cùng nhau làm mọi điều. Cùng nhau chăm sóc con cái, suy nghĩ chuyện cùng nhau làm ăn, bao dung và thấu hiểu cho nỗi lòng của nhau.
Một tổ ấm hạnh phúc không do chỉ một bàn tay vỗ mà thành, càng không thể tồn tại một người ích kỷ. Anh đòi hỏi vợ phải xinh đẹp, đảm đang, biết điều, trong khi chính anh chẳng buồn sửa đổi thói hư tật xấu.
Tôi đồ rằng đến cái ngày vợ chồng ly hôn, vợ anh cũng đã phải chịu đựng quá nhiều mà không thể gắng thêm nữa. Nếu anh thấy như được giải thoát và tận hưởng cuộc sống độc thân tự do, tự lo một cách sung sướng, thì vợ anh cũng vậy thôi!
Cô ấy không còn phải phục dịch một người chồng chỉ biết phán xét, chê bai. Thu nhập của cô ấy dù giảm sút vì không còn lương của anh, nhưng lại đỡ được rất nhiều khoản phải gánh khi sống cùng chồng.
Chỉ có một điều khác anh, là chắc cô ấy sẽ nặng lòng thương hai đứa con không có được một gia đình trọn vẹn. Nhưng tình thương này sẽ biến thành động lực để cô ấy có thể lao vào làm việc, kiếm tiền để đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và các con. Anh Phúc ạ, ngoài kia vẫn có rất nhiều mẹ đơn thân trở nên xinh đẹp, độc lập và quyến rũ hơn chỉ nhờ không phải đeo mang gánh nặng ông chồng tệ bạc đấy!
Tôi nghĩ, người đàn ông hậu ly hôn muốn có hạnh phúc thì phải biết nhìn nhận về những sai lầm của mình trong mối quan hệ cũ và thay đổi để sẵn sàng cho tương lai tốt đẹp hơn.
Còn khi vẫn bảo thủ coi rằng mình là trung tâm vũ trụ, chỉ nghĩ đến cái tự do sung sướng của bản thân như anh Lê Phúc, thì chuyến xe cuộc đời trước sau cũng sẽ lăn vào vết xe đổ mà thôi!
Theo phunuonline