Lớp học “Cách gìn giữ hạnh phúc gia đình” của cô giáo Kim Min Jeong đến từ Viện Nghiên cứu Hạnh phúc Hàn Quốc

Yêu thương và tôn trọng


Vượt qua những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhiều cô dâu Việt Nam đang từng ngày nỗ lực đổi thay, khẳng định bản thân xây dựng hạnh phúc với nhiều doanh nhân, quản lý hay cán bộ Hàn Quốc đang làm việc ở Việt Nam.

Cộng đồng gia đình đa văn hóa Việt-Hàn ngày càng lớn mạnh khi có đến 3.000-3.500 gia đình Việt- Hàn đang sinh sống ở Việt Nam, tập trung đông nhất ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ thực tế đó, Hiệp hội gia đình đa văn hóa Việt-Hàn (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc) đã ra đời và hoạt động từ năm 2007.

Vợ chồng chị Phạm Thị Yến làm bài tập trắc nghiệm tình yêu

Chị Phạm Thị Nah, Chủ tịch Hội Phụ nữ Hiệp hội gia đình đa văn hóa Việt- Hàn, cho hay: Hiệp hội là nơi gắn kết các gia đình, chia sẻ kinh nghiệm sống, cách gìn giữ gia đình hạnh phúc và góp phần hòa giải các gia đình có xung đột, mâu thuẫn do không hiểu nhau. Từ đó, chị em trở nên thân thiết, gắn bó hơn.


Để các gia đình ngày càng hòa hợp, hạnh phúc hơn, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức nhiều lớp học bổ ích để vợ chồng, con cái các gia đình đa văn hóa có điều kiện theo các lớp học về lịch sử văn hóa, về giá trị của hôn nhân và gia đình... với các thầy cô đến từ Hàn Quốc.

Vợ chồng chị Phạm Thị Nah chăm chú nghe cô Jeong chia sẻ về cách giữ gìn hhạnh phúc gia đình

Từng bài giảng giúp các thành viên gia đình thêm hiểu nhau hơn trong cách chia sẻ, trao yêu thương. Thú vị nhất là lớp học “Cách gìn giữ hạnh phúc gia đình” của cô giáo Kim Min Jeong đến từ Viện Nghiên cứu Hạnh phúc Hàn Quốc. Theo cô, mục đích của bài học là giúp những cặp vợ chồng đang có mâu thuẫn sẽ trở nên hòa hợp và các cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc sẽ hạnh phúc hơn. Điều đó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống của các đôi vợ chồng hạnh phúc mà người hưởng lợi trực tiếp còn là những đứa con.


Theo mẹ đến lớp

Qua buổi học, cô Jeong đã đưa ra các khái niệm về giá trị của hôn nhân và gia đình; những biến đổi qua bản đồ tình yêu; các biểu hiện yêu thương và tôn trọng; cách kiểm soát căng thẳng, đối thoại hiểu nhau, khôi phục niềm tin, tạo dựng văn hóa gia đình và thúc đẩy tình yêu thương. Từng cặp đôi đã làm các bài tập trắc nghiệm thể hiện một cách chính xác và chi tiết tình yêu cũng như sự thấu hiểu của mình về thế giới nội tâm của người bạn đời.


Lớp học lịch sử của thầy Lee Ik Joo đến từ khoa Lịch sử trường Đại học Seoul

Theo cô Jeong, các gia đình đa văn hóa muốn hạnh phúc phải xây dựng một mối quan hệ đi từ sự đồng cảm đến yêu thương và tôn trọng với hai trụ cột là niềm tin và sự tận tụy, quan tâm lẫn nhau. Những cặp vợ chồng muốn sống hạnh phúc cần có kỹ năng yêu thương, biết giúp đỡ nhau và tiếp sức mạnh cho nhau lúc ốm đau bệnh tật, đồng lòng giúp đỡ nhau thực hiện ước mơ... Vì hạnh phúc gia đình, mỗi người chồng cần động viên vợ học tập, biết suy nghĩ cho vợ và vì lợi ích của con cái.


 Tìm hiểu về cội nguồn

Cùng bố mẹ đến với các lớp học, các em cùng bố mẹ lắng nghe lời các thầy giảng về sự tương đồng về văn hóa, lịch sử hai quốc gia Việt Nam- Hàn Quốc. Qua từng bài giảng, thầy giáo Lee Ik Joo đến từ khoa Lịch sử trường Đại học Seoul còn giúp học viên hiểu rõ từng dấu mốc lịch sử, hành trình di sản của Hàn Quốc qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển... Đó là niềm tự hào của Hàn Quốc, thể hiện diện mạo văn hóa của dân tộc, đất nước này.

Cách thể hiện yêu thương của con trẻ

Thầy giáo Lee Ik Joo đã giới thiệu những di tích văn hóa Hàn Quốc mà các đôi vợ chồng Việt-Hàn cần phải đưa con đến thăm. Những nơi đó được biết đến là những địa danh nổi tiếng thế giới của quốc gia này như chùa Bulkuk, Buseok và Haein; am Seokgul, viện Byungsan, khu vực Haenam, Kangjin, thành Hwaseong, cung kyungbuk, Bảo tàng Trung ương quốc gia, chùa Wol Chung... với vẻ đẹp thâm trầm trường tồn cùng thời gian và biến động của lịch sử.
    THU SƯƠNG
Các học viên chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện đại sứ quán Hàn Quốc và thầy giáo