Lớp học “Kỹ năng yêu thương con cái: Huấn luyện cảm xúc” của giáo sư Cho Byeok
Đối thoại mở lòng trái tim

Hạnh phúc gia đình dưới mỗi nếp nhà mang những sắc thái và nhìn nhận ở mỗi góc độ khác nhau. Tuy nhiên sự thương yêu, tôn trọng, sẻ chia, là sự trách nhiệm, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình, sự tiến bộ, phát triển của mỗi gia đình là những thành tố chính của hạnh phúc.

Gia đình chính là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự hình thành và phát triển con người. Gia đình là nơi cho trẻ tình thương, sự chăm sóc, nâng niu, cũng dạy cho trẻ những kinh nghiệm, những giá trị truyền thống đạo đức, phép tắc, trách nhiệm, sự gắn bó lâu bền. Quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái là yếu tố tích cực góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trẻ em trong gia đình đa văn hoá Việt-Hàn tham gia lớp học

Theo giáo sư Cho Byeok, trong giao tiếp hàng ngày, phụ huynh thường sử dụng những câu chủ yếu mang tính mệnh lệnh, yêu cầu hay so sánh như: “Con có mỗi việc học thôi, có phải lo gì nữa đâu”, “Bố mẹ có mắng cũng chỉ vì thương con thôi”, "Bố mẹ có tiếc con cái gì bao giờ đâu”, “Đi học bài ngay”… để nói với trẻ. Còn nếu là câu hỏi, phụ huynh cũng ít hỏi về cảm xúc của bé mà hay hỏi về những công việc mà bé phải làm, hỏi về điểm số ở trường. Có nhiều lúc, nhiều bậc bố mẹ còn hạ thấp nhân cách con với những câu nhận xét như “Trời, đã cuối bảng mà còn tỏ vẻ”, “Chỉ cần giống bạn bên cạnh một nửa thôi!” hay “Đồ đội sổ”…  Nếu sử dụng những cách nói đó thì con cái chỉ phẫn nộ và làm điều trái ngược lại. Nếu coi thường cảm xúc của con thì đứa trẻ sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mẹ con trong gia đình đa văn hoá Việt-Hàn

Do vậy,  nếu muốn con cảm nhận được tình yêu thương, tình cảm gia đình thì bố mẹ cần tăng cường các câu khen ngợi, động viên, khích lệ như “Con làm rất tốt”, “Bố/mẹ tin là con sẽ làm được” hay dùng những cử chỉ yêu thương, âu yếm đúng lúc và chia sẻ lúc con gặp điều buồn phiền.

Giáo sư Cho Byeok cùng một gia đình học viên
Huấn luyện cảm xúc cho trẻ

Trong gia đình, nếu trẻ cảm nhận được tình yêu thương thường có xu hướng tự tin, hạnh phúc hơn và thành đạt hơn khi trưởng thành. Trẻ cũng sẽ có tâm hồn phong phú, biết yêu thương và giàu lòng nhân ái hơn. Ngược lại, nếu trẻ cảm nhận được ít tình yêu thương từ gia đình thường dễ sợ hãi, lo âu, thiếu niềm tin khi lớn lên trẻ thường hay cáu gắt, lạnh lùng, ích kỷ; trẻ còn có xu hướng phạm tội cao hơn. Nếu con học không tốt những môn văn hóa nhưng lại có năng khiếu đàn, múa thì các bậc phụ huynh cũng đừng dùng mọi cách bắt em trẻ theo những mong muốn trẻ trở thành bác sĩ hay luật sư, điều này sẽ gây áp lực cho trẻ ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của trẻ. Phụ huynh nên chấp nhận những cá tính của trẻ, định hướng và uốn nắn dần dần và dựa trên những năng lực của trẻ để hướng trẻ tới sự phát triển tốt nhất.


Đại sứ Jun Dae Joo cùng các cô dâu Việt sắp sang sống ở Hàn Quốc

Cả lớp học chụp  ảnh kỷ niệm cùng Đại sứ Jun Dae Joo và Giáo sư Cho Byeok

Đại sứ Jun Dae Joo trao Kỷ niệm chương hữu nghị cho chị Phạm Thị Yến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc

Giáo sư Cho Byeok đã đưa ra lời khuyên rằng các bố mẹ cần lắng nghe trẻ thật nhiều để nắm bắt cảm xúc, đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ cùng trẻ và có cách giáo dục con tốt nhất từ tình yêu thương vô bờ bến cha mẹ dành cho con.

    Thu Sương