Đoạn clip về quầy bánh tráng nướng tại Thái Lan tấp nập khách đứng chờ mua của chàng rể hút hàng trăm ngàn lượt xem, tương tác trên mạng xã hội. Anh cũng dạy tiếng Việt cho cả gia đình vợ để bớt cô đơn nơi đất khách.

Đám cưới đặc biệt

Năm 2018, chị Winnisa Sodwilai (thường gọi Nan, 31 tuổi, quê ở Surat Thani, Thái Lan) đến Phú Quốc (Kiên Giang) làm nhân viên tại một spa. Trong một lần đi tập gym, chị "phát hiện" chàng trai Lê Đình Duy quê ở đảo ngọc nhìn mình và đến làm quen. Ấn tượng với chàng trai thân thiện, tốt bụng, chị đồng ý kết bạn và cả hai nhanh chóng thành một đôi.

Tháng 3.2020, Nan phải trở về Thái Lan vì dịch Covid-19 bùng phát. Đúng 1 năm sau, anh Duy xin phép cha mẹ qua Thái Lan tìm Nan và quyết phải cưới được Nan làm vợ thì mới trở về. Ngay lúc kinh tế khó khăn, anh vay thêm người quen mới đủ 60 triệu đồng mua vé máy bay, trả tiền cách ly và xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu nhập cảnh của xứ sở chùa vàng.

leftcenterrightdel
 Quầy bánh tráng nướng tấp nập khách của chồng Việt vợ Thái tại Thái Lan

Anh kể ban đầu Nan cản vì thấy anh sang Thái Lan thời điểm này tốn kém, chưa chắc mẹ đã đồng ý để hai người yêu nhau. Tỷ lệ thành công không cao, nhưng anh vẫn quyết phải làm. Sau 14 ngày cách ly, bạn gái lên Bangkok đón anh về quê.

Cơ hội đến, anh xông xáo làm việc, giúp đỡ mọi người, học tiếng Thái để giao tiếp và làm YouTube về những điều mới mẻ tại đây để có thêm thu nhập. Dần dà, mẹ Nan đồng ý cho cả 2 đăng ký kết hôn. Cha mẹ anh ở Phú Quốc cũng rất quý Nan nên ủng hộ con trai nhiệt tình. Tháng 1.2022, đám cưới diễn ra với sự chứng kiến của gia đình, họ hàng cô dâu.

"Phong tục tại Thái Lan là đám cưới sính lễ phải rất nhiều. Nhưng nhà vợ biết hoàn cảnh gia đình tôi tại VN không khá giả gì nên mỗi người cho mượn một ít vàng bỏ vào tráp sính lễ cho tôi bê, sau đám cưới trả lại. Tôi chỉ mua được cặp nhẫn cưới và lo chi phí đãi tiệc. Cuối tháng 1, tôi đưa vợ về VN ăn tết, ba mẹ ôm 2 đứa khóc nức nở vì tôi đi một mình mà về 2 người", anh xúc động nhớ lại.

Người thái mê mẩn bánh tráng nướng

Vốn làm YouTuber, thích đi đây đó nên anh quyết định ở lại quê vợ lập nghiệp. Cả hai khởi nghiệp với quầy chả giò tại Bangkok, nhưng khách không đông như kỳ vọng nên vợ chồng anh về lại Surat Thani. Thấy đồ ăn vặt tại đây rất đa dạng, anh nghĩ muốn thành công phải làm gì đó khác biệt nên đã đặt mua bánh tráng từ Đà Lạt gửi sang để tìm tòi cách làm bánh tráng nướng.

leftcenterrightdel
 Khoảng 3 phút là xong 1 chiếc bánh tráng nướng nóng giòn

5 tháng trước, anh trổ tài mời cả nhà vợ ăn thử, mọi người khen ngon, động viên mở bán. Quầy đầu tiên trong căn tin trường học tấp nập khách, anh giao lại cho mẹ vợ, còn vợ chồng anh ra chợ mở thêm một quầy khác. Quầy gây ấn tượng với khách địa phương bởi bộ bà ba cùng chiếc nón lá dịu dàng của bà chủ.

"Giá bán ở đây khoảng 21.000 - 28.000 đồng/cái, so với giá đồ ăn vặt tại Thái thì không đắt. Tôi chỉ bán chừng 2 - 3 tiếng là hết sạch, khách đủ độ tuổi, ngành nghề chờ mua. Có khi khách phải chờ hơn nửa tiếng mới tới lượt. Bán món ăn Việt giữa nơi xa lạ mà được nhiều người ủng hộ, tôi thấy rất vui, tự hào", anh nói.

Nan cũng kể chồng mình là YouTuber nhưng từ ngày mở quầy bánh tráng thì clip quay chủ yếu ngay tại quầy bán. Ngày còn ở VN, chị thấy món này rất lạ, khác biệt với đồ ăn vặt tại Thái Lan, vị cay nhẹ, nóng giòn. "Anh dạy tôi, mẹ và cả bà ngoại, mọi người xung quanh tiếng Việt. Thỉnh thoảng, anh nấu món Việt đãi gia đình, ai cũng mê. Sau này sinh con, chúng tôi sẽ dạy con cả tiếng Việt và tiếng Thái", chị chia sẻ.

leftcenterrightdel
 

Bà Klairung (49 tuổi, mẹ vợ anh Duy) nhận xét từ ngày có chàng rể Việt, gia đình luôn rộn tiếng cười, nhất là khi cả nhà có thể nói tiếng Việt với nhau. "Món ăn Việt rất ngon, chúng tôi ăn hợp khẩu vị và món nào cũng mê", bà bày tỏ.

Theo Thanh niên