leftcenterrightdel
Phạm Giang hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: NVCC 

Phạm Giang là người Hà Nội, cô đi du học, đi làm ở Trung Quốc và kết hôn với chồng người bản địa. Vợ chồng Giang hiện sống trong căn chung cư ở Tô Châu, Giang Tô. Hàng ngày, họ cùng nhau làm việc tại nhà và chăm sóc con gái nhỏ gần 2 tuổi. 

Vốn đã ở Trung Quốc được 10 năm, Giang không còn bỡ ngỡ với lối sống, sinh hoạt ở quê chồng. Giang kể lúc còn độc thân, mọi thứ với cô khá dễ dàng vì một phần có gia đình hỗ trợ, phần khác có thu nhập từ làm thêm, buôn bán. Từ khi lấy chồng, dù nhà chồng thuộc diện trung lưu nhưng cuộc sống riêng của hai vợ chồng trẻ cũng không tránh khỏi những khó khăn. Đặc biệt, trong thời kỳ Trung Quốc kiểm soát gắt gao dịch bệnh bằng chính sách zero Covid rồi sau đó là bão giá toàn cầu quét qua thì kinh tế gia đình Giang cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Giang chia sẻ cuộc sống hàng ngày trên kênh video cá nhân và nhận được nhiều sự sẻ chia từ bạn bè, người thân ở Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt ở Trung Quốc. 

Ngột ngạt với giá tăng vô lý trong đại dịch

Covid-19 khởi nguồn ở Trung Quốc, lan rộng ra thế giới nhưng đến khi cả thế giới đã dần mở cửa thì đất nước tỷ dân vẫn quyết tâm thực hiện chính sách “không Covid” bằng những đợt phong tỏa khắp nơi. Nằm ngay cạnh Thượng Hải, một trong những nơi bị kiểm soát chặt chẽ nhất trong đợt bùng phát dịch mới đây, Tô Châu cũng chịu nhiều ảnh hưởng khiến giá hàng hóa tăng chóng mặt, thậm chí, một số thứ thiết yếu còn không có để mua. 

“Sống tại Trung Quốc tuy văn hóa và lối sống có phần tương tự như khi ở nhà nhưng chi phí sinh hoạt thì khá cao, nên cuộc sống của vợ chồng mình hơi áp lực. Tất nhiên là ở mỗi khu vực, thu nhập của người dân khác nhau sẽ dẫn đến mức sống khác nhau nhưng mặt bằng chung bên này là đắt đỏ hơn Việt Nam”, Phạm Giang chia sẻ. 

Trước kia Giang có đi làm, nhưng kể từ khi sinh con, cô chọn ở hẳn nhà, kết hợp buôn bán và chăm sóc gia đình. Chồng cô cũng làm việc tại nhà nên cuộc sống cả gia đình 3 người phần nhiều chỉ gói gọn trong bốn bức tường chung cư. Thỉnh thoảng, vào những đợt dịch bệnh tạm lắng, Giang cùng chồng và con gái đi chơi, sang thăm nhà ông bà nội. Do Giang là người cầm kinh tế trong nhà nên những biến động chi tiêu cô đều nắm rất rõ.  

Giang kể trong mùa dịch vừa qua thực phẩm ở Tô Châu không những tăng giá chóng mặt mà còn rất khó để mua. Lúc phong tỏa, các gia đình được phát phiếu đi chợ, cách một ngày mới được đi một lần, mỗi lần đi không quá 2 giờ và chỉ có 1 đại diện mỗi nhà được ra ngoài. Giang nhớ có lúc đi mua 4 lần không tìm nổi một miếng thịt, các loại rau cũng thiếu nguồn cung. 

“Cách đây vài tháng, dưa chuột tăng từ 4 tệ/500 gram lên 7 tệ/500 gram (tăng từ 13.900 lên 24.300 đồng). Giá thịt cá cũng tăng cỡ 10 tệ (34.700 đồng) mỗi kg”, Giang nhẩm tính lại. Nhưng hai món đồ này vẫn chưa phải là mặt hàng “hot” nhất thời điểm dịch, mà phải kể đến quả ớt, loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Trung Quốc. Theo lời Giang, bình thường, ớt chỉ thiên có giá 19 tệ/500 gram (66.100 đồng) nhưng khi dịch bệnh, mặt hàng này tăng đến 49 tệ/500 gram (170.000 đồng). Mức giá này cao một cách vô lý, thậm chí còn hơn cả giá thịt nhưng Giang vẫn phải mua để chế biến đồ cho chồng. 

Nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng trong mùa dịch là do đường cao tốc bị kiểm soát chặt khiến các nhà cung cấp không thể tiếp cận. Giang kể tất cả các con đường từ Côn Sơn đến Thượng Hải và từ Côn Sơn đến Tô Châu đều có nhân viên túc trực kiểm tra khiến người dân nếu có cơ hội sẽ đều mua nhiều đồ ăn về tích trữ. Siêu thị cũng có khi không đủ hàng chuyển đến nhà cho khách nên họ đành chuyển sang phương án canh mua rau với thịt trên mạng lúc sáng sớm hoặc đêm khuya. 

leftcenterrightdel
 Giang cảm nhận rõ không khí ngột ngạt trong đại dịch. Ảnh: NVCC

Vốn đã áp lực chuyện chi tiêu, mức độ ngột ngạt trong thời điểm lock down đối với Giang còn đến từ việc mỗi ngày đều phải test Covid-19. Cùng với đó, cảm giác bí bách khi ở trong nhà quá nhiều cũng là tình trạng chung không của riêng ai. Em gái chồng của Giang sống ở Thượng Hải nói thậm chí không được ra ngoài mua rau, cả khu phải nhờ một người đi chợ hộ. Tình trạng rau ít, thịt đắt gấp 3-4 lần bình thường hay không mua được gạo xảy ra như cơm bữa. 

Thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất hiện không còn nữa, nhưng giờ đây, một mối lo khác đang chực chờ trước cửa mỗi gia đình là cơn bão giá. 

Tiếp tục đối mặt với giá cả leo thang

Dù đã được luyện qua cảm giác “xót tay” khi chi tiền mua thực phẩm trong đại dịch nhưng Giang vẫn không thể bình tĩnh trước báo giá. Tình trạng giá xăng và mọi thứ nhích lên từng ngày là câu chuyện mà các gia đình thường xuyên bàn luận.   

Giá xăng A92 ở Tô Châu đang là 9 tệ/lít, xăng A95 là hơn 9 tệ/lít (hơn 31.300 đồng) sau nhiều đợt tăng giá. Giang nói ở đâu cũng vậy, khi xăng tăng thì cũng đồng nghĩa với việc giá của những thứ khác không đứng im. Nhưng đáng lo nhất là tiền lương và thu nhập của người dân không nhúc nhích, thậm chí, do ảnh hưởng từ đợt dịch, việc buôn bán của Giang còn bị hạn chế một phần. 

“Cả dịch bệnh lẫn bão giá đều khiến mình phải chi tiêu nhiều hơn trong khi tiền kiếm được không tăng. Mình chọn cách cắt giảm 20% những thứ không cần thiết, chọn nguồn hàng giá thấp hơn để bảo toàn túi tiền và ưu tiên mua đồ cho con”. 

Kể từ khi có con, Giang chi tiêu nhiều hơn, dù không phải là người quá phóng khoáng nhưng những khoản cơ bản hoặc thỉnh thoảng vui chơi, thư giãn cho gia đình Giang cũng không bao giờ tiếc. Nhưng trong thời kỳ này, Giang cũng phải thực hiện chính sách tiết kiệm nhất có thể, cô đã nghĩ đến việc sẽ tự trồng rau để vừa có thực phẩm sạch ăn, vừa đỡ phải đi siêu thị. 

leftcenterrightdel
Chi tiêu trong nhà Giang đều phải cắt giảm, dành nhiều sự ưu tiên cho con gái. Ảnh: NVCC 

Cùng với Giang, cộng đồng người Việt ở Tô Châu hay những người bạn của cô ở một vài thành phố khác ở Trung Quốc hiện cũng chia sẻ về tình trạng giá cả các mặt hàng tăng cao hơn hẳn so với thời điểm cách đây nửa năm. Tuy nhiên có điều may là nhờ có công việc ổn định nên những người quen của Giang chưa ai gặp khó khăn quá. Dẫu vậy, để đảm bảo cuộc sống, họ cũng thực hiện phương châm tăng thu giảm chi, đặc biệt tránh những món hàng đắt tiền hay đồ dùng xa xỉ. 

Giang cho hay, kể từ đại dịch, giới trẻ Trung Quốc tìm mua nhiều đồ dùng hàng hiệu từ đồ mới cho đến trên các nền tảng bán lại. Do không thể đi du lịch, nhiều người lại chi tiêu nhiều hơn vào hàng xa xỉ, từ túi xách, đồng hồ cho đến nhiều món hàng sưu tập đặc biệt khác. Điều này cũng được báo chí Trung Quốc và cả nước ngoài phản ánh.

Theo Giang, những khách hàng này hầu hết đều là tầng lớp kinh doanh hoặc con nhà giàu thuộc thế hệ “phú nhị đại”, họ không chịu ảnh hưởng bởi bão giá nên vẫn có thể mua sắm những thứ mình thích. Còn lại, nhiều bạn trẻ khác có xu hướng đầu tư vào hàng hiệu như một phương thức làm ăn thì lại khác, đôi khi bán lại sẽ có lời nhưng cũng có không ít người chịu cảnh thua lỗ, đến mức mất khoản tiền lớn là chuyện không còn hiếm gặp.

Theo ndh